Quy trình hạch toán công ty may mặc chi tiết

Đánh giá

Đối với ngành dệt may việc hạch toán chi tiết rất là quan trọng. Nhờ vào việc kế toán hạch toán chi tiết cho tất cả đầu vào và đầu ra mới có thể tính theo dõi được các đơn hàng, chi phí của các vật liệu tạo nên sản phẩm và cuối cùng chính là giá thành của sản phẩm đó. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về quy trình hạch toán công ty may mặc qua nội dung của bài viết hôm nay từ Kế Toán Việt Hưng nhé!

Đặc thù của kế toán trong ngành dệt may là gì?

Như chúng ta cũng biết, đặc thù của chuyên ngành kế toán rất là đa dạng, không có giống nhau ở điểm nào cả. Muốn hoàn thành được một công việc kế toán cho chuyên ngành sản xuất dệt may, bắt buộc người làm kế toán phải luôn nắm vững và chắc với các nghiệp vụ trong đó, các Nghị định, Thuế hay là những Luật định sửa đổi bổ sung…

Đó chính là những đặc thù đòi hỏi sự tỉ mỉ cho ngành kế toán dệt may, trong việc kinh doanh sản xuất ngành dệt may sẽ có 2 mô hình để Công ty kinh doanh:

+ Doanh nghiệp thương mại về may mặc.

+ Doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc.

Đây chính là 2 mô hình kinh doanh trong ngành dệt may nhưng mỗi loại hình sẽ có những đặc điểm riêng cho quy trình của nó, lúc đó kế toán sẽ thực hiện việc hạch toán đối với những mô hình cũng khác nhau.

Tìm hiểu về 2 mô hình:

– Doanh nghiệp thương mại về may mặc là gì? Doanh nghiệp thương mại là doanh nghiệp sẽ đặt thuê gia công với những đơn hàng hay là mã hàng riêng, trong đó vải cũng sẽ được doanh nghiệp thương mại cung cấp.

– Doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc chính là đơn vị sẽ trực tiếp sản xuất, nhận gia công cho các mặc hàng may mặc từ doanh nghiệp thương mại.

– Đối với Doanh nghiệp thương mại về may mặc kế toán chỉ cần nắm vững đến các cách hạch toán như: quản lí hàng hóa, nhập – bán hàng của Công ty mình.

– Đối với Doanh nghiệp trong mô hình sản xuất hàng may mặc kế toán cần phải nắm vững cho mình các cách hạch toán nguyên liệu, nhân công hay chi phí sản xuất, giá thành… đây cũng là một trong những yếu tố phụ thuộc rất nhiều trong quy trình sản xuất cho ngành dệt may.

– Đây chính là sự khác biệt giữa 2 mô hình doanh nghiệp trong ngành sản xuất may mặc mà kế toán bắt buộc phải nắm vững nguyên tắc hạch toán của 2 mô hình này, lựa chọn cho mình cách hạch toán riêng biệt của 2 loại mô hình đối với việc kinh doanh của Công ty đó.

– Có một điểm lưu ý mà chúng ta cần phải nắm rõ: Nếu như doanh nghiệp sản xuất may mặc thì cần phải hạch toán rõ ràng chi phí nguyên vật liệu, thì đối với doanh nghiệp nhận gia công sẽ không cần phải hạch toán cho chi phí nguyên vật liệu vì họ chỉ nhận gia công ra thành phẩm mà không có bất kì chi phí nào cho nguyên vật liệu của sản phẩm đó.

Nguyên vật liệu cho một công ty sản xuất ngành dệt may là gì?

Nguyên vật liệu cho một Công ty sản xuất ngành dệt may sẽ được phân loại cụ thể rõ ràng như sau:

– Nguyên vật liệu chính ở đây sẽ là vải. Từ mặc hàng vải này sẽ được công ty sản xuất phân loại theo vải

Ví dụ: vải kẻ, vài hoa, vải thun, vải kate, vải màu…

– Nguyên vật liệu phụ được chia thành 2 mảng:

+ Một mảng sẽ dựa vào yếu tố làm nên chất lượng sản phẩm đó.

Ví dụ: cúc áo, dây kéo, logo, nhãn…

+ Mảng còn lại phục vụ cho công tác sản xuất sản xuất sản phẩm đó.

Ví dụ: kim, chỉ, phấn…

– Nguyên vật liệu cuối cùng trong phần phân loại này chính là phụ tùng trong các máy may, phương tiện để có thể tạo nên được sản phẩm:

Ví dụ: vòng bi, dây cu roa, xăng, dầu nhờn…

Quy trình phân loại này giúp cho Công ty sản xuất nắm rõ được tình hình nguyên vật liệu cũng như việc phân loại trong các kho bảo quản được rõ ràng hơn, biết được các biến động chặt chẽ hơn.

Những đặc thù chính trong quy trình hạch toán công ty may mặc

Những đặc thù chính trong quy trình hạch toán công ty may mặc

Đặc thù chính trong quy trình hạch toán đối với công ty sản xuất may mặc chủ yếu là tính giá thành cho chi phí gia công của công ty, theo dõi được việc xuất – nhập số lượng thành phẩm đã gia công được và giao cho công ty thương mại. Dưới đây sẽ là các đặc thù chung đối với quy trình hạch toán công ty may mặc, nhận gia công:

– Đối với Nguyên vật liệu: Kế toán phải hạch toán chi tiết theo tên của các đơn vị đối tác doanh nghiệp thương mại, hay là các cá nhân đặt gia công tại Công ty. Nguyên vật liệu ở đây sẽ được phân bổ chi tiết theo nguyên vật liệu chính hay là nguyên vật liệu phụ được nếu ở trên.

– Đối với những nguyên vật liệu trực tiếp chúng ta có thể phân loại ngay vào chính giá trị của các đơn đặt hàng. Nếu như muốn công đoạn này có tính chính xác cao kế toán nên xây dựng ra định mức phù hợp với nó. Nguyên vật liệu trực tiếp ở đây thưởng sẽ chiếm tỉ trọng cao trong giá thành của một sản phẩm.

– Nguyên vật liệu chính trong việc sản xuất may mặc thường sẽ là vải, thì nguyên liệu chính ở đây sẽ được công ty thương mại giao cho công ty sản xuất, nhận gia công nên không cần phải theo dõi giá vốn của Nguyên vật liệu chính này. Công ty sản xuất chỉ cần theo dõi 2 yếu tố về chi phí là: Chi phí nguyên vật liệu phụ và chi phí nhân công.

Ví dụ: Công ty HKL có hoạt động đặt hàng gia công cho Doanh nghiệp sản xuất may mặc KLI với đơn hàng đặt may là 10 sản phẩm áo pull màu đỏ, 100 áo pull màu vàng, 1000 áo pull màu trắng, nguyên vật liệu cung cấp chính:

+ Nguyên vật liệu chính: vải thun màu đỏ, xanh, vàng, trắng.

+ Nguyên vật liệu phụ: chỉ, nhãn mác, logo,

Doanh nghiệp KLI sẽ xây dựng định mức đối với nguyên vật liệu trực tiếp để có thể sản xuất ra thành phẩm chính là chỉ

+ Với 1 sản phẩm áo pull màu đỏ: 0.4 cuộn chỉ cho một sản phẩm.

+ Với 1 sản phẩm áo pull màu trắng: 0.9 cuộn chỉ cho một sản phẩm.

+ Với 1 sản phẩm áo pull màu vàng: 0.5 cuộn chỉ cho một sản phẩm.

Khi đã tính được định mức cho nguyên vật liệu, kế toán Doanh nghiệp KLI phải tính ra được tổng chi phí của nguyên vật liệu trực tiếp sản phẩm của một đơn hàng là bao nhiêu? Cách tính như sau:

+ Tổng chi phí = [(0.4 x 100)] + [(0.9 x 100)] + [(0.5 x 100)] x đơn giá của 1 cuộn chỉ.

– Kế toán của công ty sản xuất may mặc phải mở sổ tài khoản để theo dõi các hoạt động về việc sản xuất, nhận gia công từ các Công ty thương mại. Phải theo dõi luôn hoạt động của việc trả tất cả các thành phẩm sản xuất hay nhận sản xuất từ các công ty thương mại đó.

– Đối với chi phí về nhân công trong công ty sản xuất may mặc sẽ được phân bổ theo trị giá của các đơn hàng công ty thương mại đặt bên công ty sản xuất.

Quy trình hạch toán công ty may mặc:

Quy trình hạch toán cho công ty sản xuất may sẽ bao gồm các phân đoạn sau:

– Hạch toán trị giá của nguyên vật liệu

– Theo dõi các tập hợp chi phí liên quan đến việc sản xuất và xuất trả các thành phẩm sau khi đã sản xuất sản phẩm hoàn thiện (phần này sẽ không tính trị giá nguyên vật chính).

– Hạch toán số tiền công ty thương mại gửi cho công ty sản xuất tiền thanh toán này sẽ được hạch toán riêng vào tài khoản ngân hàng hay là trị giá của đơn hàng thanh toán, thanh toán theo công nợ trừ dần vào tiền gia công.

+ Điểm lưu ý trong hạch toán với đơn hàng của công ty sản xuất may mặc, việc sản xuất sẽ bao gồm 2 hình thức:

• Sản xuất sản phẩm với các đơn hàng trong nước.

• Sản xuất sản phẩm đối với các đơn hàng nước ngoài.

Cách hạch toán công ty may mặc:

1. Theo thông tư 200 được áp dụng đối với việc hạch toán kế toán với công ty sản xuất may mặc:

– Hạch toán đối với đơn vị thương mại thuê bên đơn vị sản xuất (gia công)

+ Khi xuất hàng để đi gia công:

      Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

          Có TK 152, 156 – Nguyên vật liệu, hàng hóa.

+ Chi phí gia công về hàng hóa phát sinh và thuế giá trị gia tăng được khấu trừ:

      Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

      Nợ TK 133 – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (mục này sẽ được hạch toán nếu có).

          Có TK 111, 1112, 331… – Tài khoản này sẽ được hạch toán chi tiết theo các tài khoản đối với việc thanh toán.

+ Lúc nhận lại các hàng hóa gửi để gia công hoàn thành và nhập kho:

      Nợ TK 152, 156 – Nguyên vật liệu, hàng hóa (nên mở chi tiết theo các loại hàng hóa).

          Có TK154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

– Hạch toán công ty may mặc đối với đơn vị sản xuất (nhận gia công):

+ Đơn vị nhận gia công phải chủ động mở sổ TK để theo dõi, ghi chép tất cả các thông tin về toàn bộ trị giá của vật tư, hàng hóa nhận để gia công.

+ Lúc đã xác định được tổng doanh thu từ số tiền gia công trên thực tế mà đơn vị được hưởng thì sẽ hạch toán theo nguyên tắc:

      Nợ TK 111, 112, 331…

          Có TK 511 – Doanh thu bán hàng, cung cấp các dịch vụ

          Có TK 3331 – thuế giá trị gia tăng phải nộp (33311).

2. Theo Quyết định 48 với việc hạch toán kế toán sản xuất may mặc, sẽ được hạch toán theo cách sau:

– Đối với đơn vị xuất hàng đi để gia công:

+ Lúc đơn vị xuất hàng hóa từ kho đưa đi để gia công:

      Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh

          Có TK 152, 156 – Nguyên vật liệu, hàng hóa

+ Chi phí gia công các loại hàng hóa:

      Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

      Nợ TK 133 – thuế gtgt được khấu trừ (nếu như có)

          Có TK 111, 112, 331…

Chi phí gia công các loại hàng hóa

+ Hạch toán công ty may mặc với việc nhập kho lại các hàng hóa:

      Nợ TK 152, 156 – Nguyên vật liệu, hàng hóa

          Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

– Cách hạch toán công ty may mặc bên nhận gia công sản phẩm;

+ Tất cả các hàng hóa nhận gia công cho các đơn vị thương mại phải ghi đơn vào TK 002 – Vật tư, hàng hóa giữ hộ nhận gia công.

+ Khi nhận hàng để gia công phải hạch toán

      Nợ TK 002: Vật tư, hàng hóa giữ hộ nhận gia công

+ Khi xuất kho hàng để gia công, chế biến hay trả lại đơn bị thương mại

          Có TK 002: Vật tư, hàng hóa giữ hộ nhận gia công

Ví dụ: Công ty NKJ có đơn hàng gia công với Công ty sản xuất may mặc NJOL với mã hàng HYK59 trong trường hợp này Công ty NJOL phải hạch toán vào sổ TK.

      Nợ TK 002: Vật tư, hàng hóa giữ hộ nhận gia công (Mã hàng HYK59 – số lượng)

Trả lại: Có TK 002: Vật tư, hàng hóa giữ hộ nhận gia công (Mã hàng HYK59 – số lượng)

+ Xác định doanh thu, số tiền khi gia công thực tế được hưởng

      Nợ TK 111, 112, 131: Số tiền thu được

          Có TK 511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

          Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp (nếu có)

Bài viết trên đã nêu rõ chi tiết các bút toán kế toán phải làm đối với công ty sản xuất may mặc (gia công). Chúng ta cũng cần phải cẩn thận, tỉ mỉ trong việc tính giá thành gia công cho các đơn hàng để xác định được doanh thu của Công ty qua các đơn hàng đó. Còn rất nhiều các nội dung quan trọng liên quan đến nghiệp vụ kế toán mà bạn cần quan tâm đó! Xem thêm nhiều thông tin hữu ích qua fanpage về kế toán nhé!

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận