Chính thức ban hành Thông tư 24/2024 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (thay thế Thông tư 107) mới nhất kể từ ngày 01/01/2025 và áp dụng từ năm tài chính 2025. Ngoại trừ Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn sử dụng ngân sách cấp xã; các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng chế độ kế toán DN vẫn áp dụng Thông tư cũ.
Vậy Thông tư 24/2024 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới nhất được ban hành có những thay đổi như thế nào cùng Kế Toán Việt Hưng tìm hiểu qua bài viết ngay dưới đây.
1. Đối tượng đơn vị áp dụng Thông tư 24/2024 mới nhất
Thông tư này hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp gồm: chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán, báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động, báo cáo tài chính; quy trình in, sắp xếp, đóng để lưu trữ tài liệu kế toán của các đơn vị quy định tại Điều 2 Thông tư này.
(1) ÁP DỤNG:
– Cơ quan nhà nước;
– Đơn vị sự nghiệp công lập;
– Tổ chức chính trị; tổ chức chính trị – xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức, cơ quan, đơn vị khác là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;
– Tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
(2) CHƯA ÁP DỤNG (vẫn dùng theo Thông tư cũ):
– Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sử dụng ngân sách cấp xã
– Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp (tuy nhiên trường hợp các đơn vị này được bố trí dự toán ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí trong nước, tiếp nhận kinh phí viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước, tiếp nhận kinh phí vay nợ nước ngoài theo dự án, có phát sinh kinh phí từ nguồn phí được khấu trừ, để lại theo pháp luật phí, lệ phí, thì phải lập báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này)
2. Bổ sung định nghĩa đơn vị kế toán, đơn vị hạch toán phụ thuộc và đầu mối chỉ tiêu là gì?
– Đơn vị kế toán là đơn vị thuộc đối tượng áp dụng mục 1 (phía trên bài viết) có các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, mở sổ kế toán, hạch toán kế toán và lập báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư này.
– Đơn vị hạch toán phụ thuộc là đơn vị cấp dưới của đơn vị kế toán, được thực hiện một số công việc kế toán nhất định theo sự phân công của đơn vị kế toán, cuối kỳ phải cung cấp thông tin, số liệu cho đơn vị kế toán lập báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư này.
– Đầu mối chi tiêu là đơn vị cấp dưới của đơn vị kế toán, không thực hiện công việc kế toán. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh tại đầu mối chi tiêu đều phải được hạch toán, ghi sổ kế toán tập trung tại đơn vị kế toán. Việc lập và luân chuyển chứng từ kế toán của đầu mối chi tiêu thực hiện theo hướng dẫn của đơn vị kế toán.
XEM THÊM:
Địa chỉ tự học kế toán hành chính sự nghiệp chỉ có tại Việt Hưng
Câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn kế toán hành chính sự nghiệp
3. Thay đổi về “khóa sổ” kế toán hành chính sự nghiệp từ ngày 01/01/2025
Khoá sổ kế toán là việc cộng sổ để tính ra tổng số phát sinh bên Nợ, bên Có và số dư cuối kỳ của từng tài khoản kế toán hoặc tổng số thu, chi, tồn quỹ, nhập, xuất, tồn kho trong kỳ. Đơn vị không được phép thay đổi thông tin, số liệu trên sổ kế toán sau khi đã khóa sổ kế toán và báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán đã được nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp phải điều chỉnh số liệu kế toán thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
(1) Kỳ khóa sổ
– Đơn vị phải khoá sổ kế toán tại thời điểm cuối kỳ kế toán năm, trước khi lập báo cáo tài chính.
– Sổ tiền gửi ngân hàng, kho bạc nhà nước phải khóa sổ vào cuối mỗi tháng và thực hiện đối chiếu số liệu với ngân hàng, kho bạc nhà nước.
– Sổ kế toán tiền mặt phải thực hiện khoá sổ vào cuối mỗi ngày hoặc theo định kỳ do đơn vị kế toán quyết định phù hợp với quy mô, tổ chức hoạt động, đảm bảo quản lý an toàn tiền mặt trong đơn vị.
– Ngoài ra, đơn vị phải khoá sổ kế toán trong các trường hợp kiểm kê đột xuất hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
(2) Trình tự khoá sổ kế toán
BƯỚC 1: Kiểm tra, đối chiếu thông tin, số liệu trước khi khoá sổ kế toán
– Cuối kỳ kế toán, sau khi đã hạch toán hết các chứng từ kế toán phát sinh trong kỳ vào sổ kế toán, xử lý kết chuyển cuối kỳ, kế toán phải tiến hành đối chiếu số liệu đã ghi sổ, bao gồm đối chiếu số liệu tiền, số liệu hàng tồn kho, số liệu tài sản cố định, số dư các khoản phải thu, phải trả và các số liệu kế toán khác với các bên và các tài liệu có liên quan để đảm bảo phù hợp, khớp đúng.
– Đối với Sổ kế toán chi tiết tiền mặt, khi khóa sổ phải thực hiện đối chiếu với Sổ quỹ tiền mặt và tiền mặt thực tế có tại đơn vị đảm bảo chính xác, khớp đúng. Riêng ngày cuối tháng nếu đơn vị có tồn quỹ tiền mặt phải lập Bảng kiểm kê quỹ tiền mặt theo thực tế kiểm kê, Bảng kiểm kê quỹ tiền mặt phải được lưu cùng với Sổ kế toán chi tiết tiền mặt ngày cuối cùng của tháng.
– Đối với Sổ tiền gửi ngân hàng, kho bạc, khi khóa sổ phải đối chiếu số liệu từng tài khoản tiền gửi của đơn vị với ngân hàng, kho bạc nhà nước đảm bảo chính xác, khớp đúng. Xác nhận đối chiếu số liệu với ngân hàng, kho bạc nhà nước (có chữ ký và dấu của ngân hàng, kho bạc nhà nước) phải được lưu cùng Sổ tiền gửi ngân hàng, kho bạc hàng tháng.
– Tiến hành cộng số phát sinh bên Nợ, số phát sinh bên Có của tất cả các tài khoản trên sổ kế toán tổng hợp và sổ, thẻ kế toán chi tiết. Lập Bảng tổng hợp sổ kế toán chi tiết đối với các tài khoản phải mở nhiều sổ chi tiết. Sau đó tiếp tục tiến hành đối chiếu giữa số liệu trên sổ kế toán tổng hợp với số liệu trên sổ, thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp sổ kế toán chi tiết đảm bảo số liệu khớp đúng.
– Sau khi đảm bảo khớp đúng, thì đơn vị tiến hành khoá sổ kế toán. Trường hợp có chênh lệch, thì phải xác định nguyên nhân và xử lý số chênh lệch cho đến khi khớp đúng.
BƯỚC 2: Khoá sổ kế toán
– Trước khi khoá sổ kế toán năm, đơn vị phải kiểm tra xem trong năm có điều chỉnh hồi tố, áp dụng hồi tố hay không. Nếu có, thì phải tính toán lại số dư đầu năm.
– Khi khóa sổ, trên sổ kế toán phải thể hiện được các thông tin như sau:
+ Số dư đầu kỳ: Phải thể hiện được số dư mang sang từ kỳ trước. Riêng đối với số dư đầu năm thì phải thể hiện được số dư mang sang từ năm trước; tổng cộng số đã điều chỉnh hồi tố, áp dụng hồi tố và số dư đầu năm sau khi điều chỉnh hồi tố, áp dụng hồi tố (nếu có);
+ Tổng cộng số phát sinh trong kỳ khóa sổ;
+ Số dư cuối kỳ (được tính toán trên cơ sở số dư đầu năm sau khi điều chỉnh hồi tố, áp dụng hồi tố);
+ Tổng cộng số phát sinh lũy kế từ đầu năm đến ngày khóa sổ;
Số dư cuối kỳ tính như sau:
SỐ DƯ NỢ CUỐI KỲ | = | Số dư Nợ đầu kỳ | + | Số phát sinh Nợ trong kỳ | – | Số phát sinh Có trong kỳ |
SỐ DƯ CÓ CUỐI KỲ | = | Số dư Có đầu kỳ | + | Số phát sinh Có trong kỳ | – | Số phát sinh Nợ trong kỳ |
Khi khoá sổ kế toán, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán của đơn vị kế toán phải kiểm tra đảm bảo sự chính xác, cân đối của thông tin, số liệu đã ghi sổ của đơn vị kế toán để làm cơ sở lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động theo quy định tại Thông tư này. Người làm công việc kế toán của đơn vị hạch toán phụ thuộc phải kiểm tra số liệu khoá sổ để đảm bảo cung cấp thông tin, số liệu chính xác cho đơn vị kế toán.
– Trường hợp đơn vị thực hiện ghi sổ thủ công, thì ngoài việc phải tuân thủ theo các bước khóa sổ nêu trên, khi khoá sổ phải kẻ một đường ngang dưới dòng ghi nghiệp vụ cuối cùng của kỳ kế toán. Sau khi tính được số dư của từng tài khoản, tài khoản nào dư Nợ thì ghi vào cột Nợ, tài khoản nào dư Có thì ghi vào cột Có. Cuối cùng kẻ 2 đường kẻ liền nhau kết thúc việc khoá sổ.
Các đơn vị tự thiết kế mẫu sổ kế toán theo danh mục sổ kế toán và hướng dẫn nội dung sổ kế toán tại Phụ lục II “Hệ thống sổ kế toán” kèm theo Thông tư này. Ngoài ra đơn vị có thể mở thêm các sổ kế toán chi tiết theo yêu cầu quản lý, nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật kế toán về sổ kế toán và quy định của pháp luật có liên quan.
4. 04 văn bản Thông tư bị hết hạn “thay thế” bởi Thông tư 24/2024 về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp
Thông tư 24/2024 này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và áp dụng từ năm tài chính 2025.
04 văn bản Thông tư sẽ không còn được áp dụng kể từ năm 2025:
– Thông tư số 107/2017/TT-BTC về hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;
– Thông tư số 108/2018/TT-BTC về hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia;
– Thông tư số 76/2019/TT-BTC về hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi;
– Thông tư số 79/2019/TT-BTC về hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.
5. Điều khoản chuyển tiếp từ năm 2024 sang năm 2025 áp dụng Thông tư 24/2024 (thay thế Thông tư 107/2017)
– Sau khi khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính năm 2024, đơn vị phải thực hiện chuyển đổi số dư sang tài khoản mới theo quy định tại Thông tư này.
– Số dư đầu năm 2025 trên các báo cáo sau đây được áp dụng hồi tố sau khi kết chuyển số dư từ năm 2024 sang, gồm:
+ Báo cáo tình hình tài chính;
+ Thuyết minh báo cáo tài chính cho phần báo cáo tình hình tài chính.
→ Đơn vị thực hiện chuyển đổi số dư tài khoản theo hướng dẫn tại Phụ lục VI “Hướng dẫn chuyển đổi số dư tài khoản” kèm theo Thông tư này.
Thay thế cho Thông tư 107/2017, Thông tư 24/2024 đưa vào áp dụng từ 1.1.2025 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp tại Việt Nam. Đồng hành cùng Kế Toán Việt Hưng để hiểu rõ hơn về những điểm mới của Thông tư 24/2024 và nó sẽ tác động đến hoạt động kế toán hành chính sự nghiệp của bạn – tham gia theo dõi ngay FANPAGE của chúng tôi để cập nhật ưu đãi mới nhất về các khóa học kế toán hành chính sự nghiệp chuyên sâu từng đơn vị dành cho mọi lĩnh vực.