Quy trình các bước giải trình hóa đơn bất hợp pháp

Giải trình hóa đơn bất hợp phápLiên quan tới các doanh nghiệp có rủi ro cao liên quan đến bán hóa đơn khống, để chứng minh việc sử dụng hóa đơn là hợp pháp, doanh nghiệp phải thực hiện giải trình tại cơ quan thuế hoặc bằng văn bản. Quy trình các bước giải trình hóa đơn bất hợp pháp như thế nào cùng Kế Toán Việt Hưng tìm hiểu chi tiết ngay sau đây.

1. Doanh nghiệp nào cần giải trình hóa đơn theo Công văn số 1798/TCT-TTKT?

Ngày 16/05/2023, TCT ban hành Công văn số 1798/TCT-TTKT khuyến cáo các doanh nghiệp có hóa đơn đầu vào của 524 doanh nghiệp bán hóa đơn khống thực hiện chủ động rà soát và loại trừ các hóa đơn không hợp pháp, không có hàng hóa thực tế kèm theo để điều chỉnh kê khai, hạch toán theo đúng nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Thực hiện các quy định pháp luật về thuế, TCT yêu cầu cục thuế địa phương thông báo mời doanh nghiệp liên quan đến 524 doanh nghiệp có rủi ro cao nêu trên để chứng minh việc sử dụng hóa đơn là hợp pháp.

Trong đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn giải trình trực tiếp tại CQT hoặc giải trình bằng văn bản. 

2. Hướng dẫn xử lý hóa đơn đầu vào từ các doanh nghiệp nằm trong danh sách 524 doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế

Theo Luật Quản lý thuế năm 2019, Thông tư 31/2021/TT-BTC, Thông tư 219/2013/TT-BTC, Công văn 11797/BTC-TCT  và một số văn bản hướng dẫn liên quan, đối với hóa đơn đầu vào từ các doanh nghiệp nằm trong danh sách 524 doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, doanh nghiệp xử lý như sau:

(1) Trường hợp hóa đơn phát sinh trước ngày doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn

Cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra, xem xét đối chiếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để xác định có hàng hóa thực tế mua hay mua bán hóa đơn khống hay không nhằm xử lý vi phạm và yêu cầu doanh nghiệp chứng minh và chịu trách nhiệm trước pháp luật việc mua bán là có thật.

(2) Trường hợp hóa đơn phát sinh sau ngày doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn

Doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

giải trình hóa đơn bất hợp pháp
Quy trình các bước giải trình hóa đơn bất hợp pháp

(3) Trường hợp doanh nghiệp chưa kê khai khấu trừ thuế GTGT

Cơ quan Thuế sẽ thông báo cho doanh nghiệp nắm được thông tin và tạm dừng kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chờ kết quả chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.

Doanh nghiệp chỉ được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

(4) Trường hợp doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT

Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ.

(5) Trường hợp doanh nghiệp khẳng định mua bán hàng hóa, hóa đơn đầu vào hợp pháp

Doanh nghiệp cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan Thuế phải thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để kết luận và xử lý vi phạm theo quy định.

(6) Trường hợp hóa đơn của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế nhưng chứng minh được giao dịch mua bán đúng quy định

Doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn mua hàng đó và tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

(7) Trường hợp doanh nghiệp có hóa đơn của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, hóa đơn phát hành và không chứng minh được việc mua bán là có thật

Doanh nghiệp phải kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

XEM THÊM:

[MỚI] Quy định xử phạt hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

10 dấu hiệu nhận diện hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

3. Quy trình các bước giải trình hóa đơn bất hợp pháp

Nếu doanh nghiệp liên quan đến 524 doanh nghiệp có rủi ro trong danh sách thì khả năng cao sẽ bị mời lên để chứng minh các giao dịch phát sinh. Việc mời giải trình sẽ được thông báo bằng Công văn. Khi đó, doanh nghiệp cần thực hiện giải trình theo các bước sau:

Bước 1: Lựa chọn phương án giải trình

Doanh nghiệp có thể lựa chọn giải trình trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc giải trình bằng văn bản. Doanh nghiệp chuẩn bị các hóa đơn, chứng từ liên quan, thông thường bao gồm:

– Bản điện tử hoặc bản in chuyển đổi của hóa đơn điện tử, có đóng dấu xác nhận.

– Hợp đồng nguyên tắc, đơn đặt hàng.

– Chứng từ thanh toán: Tiền mặt, chuyển khoản, bù trừ,…

– Phiếu xuất kho, biên bản bàn giao hoặc nghiệm thu.

– Sổ cái các TK 131, 331.

– Sổ chi tiết kho hàng: Thể hiện chi tiết nhập xuất theo từng mã vật tư, mã nhà cung cấp mua vào, mã khách hàng, mã tồn kho xuất ra tồn của các tài khoản 152. 153, 155, 156,…

Bước 2: Giải trình hóa đơn

> TẢI VỀ :Mẫu Công văn giải trình (mang tính chất tham khảo)

Doanh nghiệp tham khảo mẫu Công văn giải trình như sau:

giải trình hóa đơn bất hợp pháp 3
Mẫu công văn giải trình hóa đơn bất hợp pháp

LƯU Ý CÁCH VIẾT GIẢI TRÌNH HÓA ĐƠN BẤT HỢP PHÁP:

[1] Trích yếu nội dung công văn: xác định và ghi vắn tắt về vấn đề cần giải trình với cơ quan thuế. Ví dụ: V/v sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc V/v kê khai sai hồ sơ thuế…

[2] Tên cơ quan thuế mà doanh nghiệp dự định gửi công văn giải trình đến. Ví dụ: Chi cục Thuế Quận Cầu Giấy – TP. Hà Nội

[3] Ghi tên doanh nghiệp lập công văn giải trình.

[4] Ghi tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trường hợp là người đại diện theo ủy quyền thì ghi thông tin về: Họ tên, số giấy ủy quyền (văn bản ủy quyền), số CMND/CCCD/Hộ chiếu cùng với ngày cấp và nơi cấp.

[5] Ghi tên chức vụ mà người đại diện theo pháp luật đảm nhận tại doanh nghiệp.

[6] Áp dụng cho trường hợp có Công văn của cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp giải trình về vấn đề cụ thể.

[7] Ghi vấn đề cần giải trình.

[8] Điền chi tiết và chính xác nội dung cần giải trình để cơ quan thuế có thể hiểu rõ. Đồng thời, doanh nghiệp có thể cung cấp thêm các tài liệu, giấy tờ chứng minh nội dung giải trình (nếu có), trong trường hợp này, ghi thêm dòng “Đính kèm theo Công văn này những tài liệu, giấy tờ sau: ………”

[9] Cơ quan thuế nơi tiếp nhận công văn giải trình.

[10] Tên chức vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.­­­­

Giải trình hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào

Doanh nghiệp liệt kê các giao dịch mua hàng với công ty là doanh nghiệp nằm trong danh sách rủi ro:

giải trình hóa đơn bất hợp pháp 4
Hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào

Giải trình việc kê khai thuế GTGT

Doanh nghiệp nêu rõ công ty đã kê khai thuế GTGT của các hóa đơn trên vào kỳ nào, thời gian nào, lý do công ty đã tự xác định điều kiện để hóa đơn được khấu trừ GTGT: phục vụ đầu ra chịu thuế, thanh toán không dùng tiền mặt,…

Giải trình việc thanh toán

Doanh nghiệp nêu rõ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt:

giải trình hóa đơn bất hợp pháp 5
Giải trình việc thanh toán

Giải trình về hàng hóa, dịch vụ bán ra

Doanh nghiệp liệt kê quá trình luân chuyển của hàng hóa, dịch vụ mua vào có liên quan đến hóa đơn trên: Hàng hóa, dịch vụ đã phục vụ cho những hoạt động kinh doanh nào? Cụ thể:

  • Hợp đồng nguyên tắc.
  • Hóa đơn mua vào nào, giá trị hóa đơn?
  • Chứng từ đi kèm.
  • Hàng hóa, dịch vụ đã được xuất bán cho bên nào, căn cứ theo hợp đồng nào, có những chứng từ nào đi kèm.
  • Chứng từ thanh toán có liên quan.

Giải trình về hạch toán sổ sách kế toán

Doanh nghiệp nêu rõ bút toán nghiệp vụ hạch toán giao dịch mua hàng, thanh toán đã kê khai hay hạch toán tại sổ sách kế toán hoặc đã thanh toán cho người bán và bút toán hạch toán giao dịch bán hàng, thanh toán đã được kê khai, hạch toán sổ sách kế toán, đã thu tiền khách hàng.

Cuối công văn giải trình, doanh nghiệp cần cam kết về trách nhiệm pháp lý đối với các nội dung giải trình trước pháp luật.

Bước 3: CQT kết luận

Sau khi cơ quan thuế xử lý và ra quyết định, có các trường hợp:

  • Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp do lỗi bên bán: Bị xử phạt theo quy định tại Điều 142, Luật Quản lý thuế (20% tiền thuế).
  • Các trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp khác: Xử phạt về hành vi trốn thuế theo Điều 143, Luật Quản lý thuế (100% – 300%% tiền thuế).

Một số trường hợp khác, hồ sơ của doanh nghiệp có thể bị chuyển qua CQ Cảnh sát điều tra:

giải trình hóa đơn bất hợp pháp 6
HS của doanh nghiệp có thể bị chuyển qua CQ Cảnh sát điều tra

Nếu bạn có bất kỳ vướng mắc nào về nghiệp vụ kế toán cần tháo gỡ MỜI BẠN THAM GIA group FB CỘNG ĐỒNG LÀM KẾ TOÁN để giải đáp NGAY LẬP TỨC bởi đội ngũ kế toán trưởng tại: https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan

Trên đây là chia sẻ của Trung tâm Kế Toán Việt Hưng về quy trình các bước giải trình hóa đơn bất hợp pháp. Doanh nghiệp thuộc đối tượng liên quan đến 524 doanh nghiệp có rủi ro liên quan đến bán hóa đơn khống cần nắm được thông tin. Trường hợp nhận được yêu cầu giải trình từ CQT, doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ và làm các thủ tục giải trình với CQT.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *