Được giảm thuế VAT còn 8% nhưng “lỡ” xuất hóa đơn 10%, phải làm gì? Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội nhằm hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, về thuế giá trị gia tăng được giảm 2% từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% giờ chỉ còn 8% trừ một số hàng hóa, dịch vụ. Vì không được giảm thuế đồng loạt, nên kế toán mất rất nhiều thời gian để tra cứu xem mặt hàng này xuất 8% hay 10%.
Rất nhiều trường hợp kế toán “lỡ” xuất hóa đơn 10% đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế suất còn 8% thì có sao không và phải làm gì trong trường hợp này? Bài viết dưới đây Kế Toán Việt Hưng sẽ giải đáp chi tiết thắc mắc của các bạn về cách xử lý khi xuất sai thuế suất GTGT 8% thành 10%? Cùng tìm hiểu nhé!
1, Cách xác định mặt hàng hóa chịu thuế 8% hay 10%
Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội, có hiệu lực từ 1/2/2022. Theo đó, từ tháng 2, hầu hết hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% sẽ được giảm xuống còn 8%, áp dụng đến hết năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ
Nghị định số 15 gồm 03 Điều, quy định rõ về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, Điều 1, Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định giảm thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống còn 8%, trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định này.
Tuy nhiên, nếu danh mục hàng hóa, dịch vụ tại các phụ lục I, II, III, IV ban hành kèm Nghị định này không chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật thuế GTGT thì sẽ không áp dụng mức giảm 2%.
Đối với mặt hàng tồn kho trước 01/02/2022, mặc dù thuế GTGT đầu vào doanh nghiệp, người bán hàng đã phải mua với hoá đơn GTGT 10% nhưng thuế suất này đã được khấu trừ, hoàn thuế. Do đó, khi đầu ra chỉ xuất hoá đơn VAT 8% thì không ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp, người bán hàng đó.
Do đó, nếu mặt hàng, dịch vụ của doanh nghiệp, người bán hàng thuộc diện được giảm trừ thuế VAT xuống còn 8% thì dù hàng tồn kho khi mua đầu vào chịu thuế GTGT 10%,thì doanh nghiệp vẫn phải xuất hoá đơn GTGT 8% theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
2, Cách xử lý khi xuất sai thuế suất GTGT 8% thành 10%
Từ thực tế đó, không tránh khỏi nhiều kế toán đã xuất hóa đơn là 10% nhưng sau đó mới phát hiện là doanh nghiệp được giảm thuế còn 8%, với trường hợp xuất sai thuế suất GTGT này, kế toán cần làm gì?Theo đó, khoản 5 Điều 1 Nghị định 15 quy định:
“Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có)“
Trường hợp đã lập hóa đơn ghi thuế suất 8% nhưng không tách riêng mà ghi chung trên một hóa đơn hàng hóa, dịch vụ có thuế suất khác nhau thì Người nộp thuế cũng phải lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn đã lập: tách riêng hóa đơn có thuế suất 8%
Cụ thể:
– Người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót.
– Người bán lập hóa đơn điều chỉnh/ thay thế sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh/thay thế cho người mua
– Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh/ thay thế, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Như vậy, khi lỡ xuất nhầm hóa đơn theo thuế suất VAT 10% cho hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế suất còn 8%, kế toán cần phải lập lại hóa đơn điều chỉnh/thay thế và phải có sự thỏa thuận giữa cả người bán và người mua.
Ví dụ ngày 11/3/2022, công ty A xuất hóa đơn GTGT thuế suất là 10%. Đến ngày 07/04/2022 công ty A kiểm tra lại thuế suất mặt hàng đó chỉ phải chịu có 8%
Công ty A và công ty B phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót
Công ty A lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho công ty B
Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh,Công ty A kê khai điều chỉnh giảm thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh giảm thuế đầu vào.
Hợp đồng mua bán điện áp dụng thuế suất bao nhiêu %?
Hỏi:
Căn cứ Công văn 2688/BTC-TCT ngày 23/03/2022 về thuế giá trị gia tăng tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP, trong đó có nội dung: Đối với hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ đặc thù như cung cấp điện, cơ sở kinh doanh được giảm thuế GTGT theo quy định đối với các hóa đơn lập từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Cho tôi hỏi, đối với điện mặt trời các Công ty điện lực mua vào của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có vận dụng quy định trên không hay chỉ có điện phân phối bán ra?
Nếu theo hợp đồng mua bán điện, đối với sản lượng điện chốt chỉ số ngày 31/12/2021 sẽ phát hành hóa đơn trong vòng 7 ngày kể từ ngày chốt chỉ số. Như vậy hóa đơn sẽ phát hành sang tháng 01/2022 theo hướng dẫn trên phải áp dụng thuế suất 10% hay vẫn được giảm xuống 8%?
Trả lời:
Căn cứ Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội:
Tại Điều 1. Giảm thuế giá trị gia tăng:
“1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
d) Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.
2. Mức giảm thuế giá trị gia tăng
a) Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
b)…
3. Trình tự, thủ tục thực hiện
a) Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, khi lập hoá đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “8%”; tiền thuế giá trị gia tăng; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
…“
– Tại Khoản 1, Điều 3 quy định hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
“1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.
Điều 1 Nghị định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.“
Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp công ty có phát sinh hoạt động bán điện thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất là 10% và không thuộc đối tượng quy định tại Phụ I, II và III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ thì được giảm thuế GTGT kể từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo quy định Khoản 1, Điều 1 và Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ.
Nếu công ty phát sinh hoạt động bán điện trước ngày 1/2/2022 (sản lượng điện chốt chỉ số ngày 31/12/2021) thì không thuộc đối tượng giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.
Kế toán Việt Hưng đã hướng dẫn cách xử lý xuất sai thuế suất GTGT 8% thành 10%. Nếu các bạn kế toán xuất sai cũng đừng lo lắng mà hãy điều chỉnh lại cho đúng nhé. Truy cập fanpage để cập nhật tin tức về kế toán và thuế hàng ngày. Kế toán Việt Hưng chúc các bạn thành công!
cho e hỏi với ạ, tổng tiền hàng là 0 mà gtgt lại âm thì kê khai pl giảm thuế 101/2023/QH15 ntn ạ
Trường hợp này là bên bạn ko phát sinh doanh thu và có hoá đơn điều chỉnh giảm của quý trước. Nên bạn sẽ kê khai bổ sung tờ khai thuế quý trước. Số thuế GTGT sau điều chỉnh bạn điền vào chỉ tiêu 38 (nếu điều chỉnh tăng) của tờ khai quý này bạn nhé
Em muốn hỏi các anh/chị về việc áp dụng quy định điều chỉnh thuế một số dịch vụ từ 10% xuống 8% theo quy định của NĐ 15/2022/NĐ-CP áp dụng trong năm 2022.
Nếu hợp đồng ký vào năm 2021 và có điều khoản ghi rõ “Không được phép điều chỉnh thuế”, “Không được phép điều chỉnh giá trị hợp đồng”, thì ở thời điểm xuất hóa đơn ở trong năm 2022, có phải điều chỉnh thuế theo quy định của nhà nước không?
Chào bạn, với câu hỏi của bạn Kế Toán Việt Hưng xin trả lời như sau:
Trường hợp này bạn làm phụ lục bổ sung mục giảm thuế theo quy định của pháp luật
Mời bạn truy cập Cộng Đồng Làm Kế Toán https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan để đặt câu hỏi và nhận câu trả lời nhanh chóng, chính xác nhất từ đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm của chúng tôi!