Kế toán kiểm toán – Chào mừng các bạn đã quay lại với bài viết cung cấp thông tin giúp độc giả tìm hiểu kỹ hơn về ngành nghề Kế toán Kiểm toán trong kinh doanh qua bài viết ngay sau đây cùng Kế toán Việt Hưng nhé
1. Kiểm toán là gì?
– Theo định nghĩa của Liên đoàn kế toán quốc tế (International Federation of Accountants – IFAC) thì “Kiểm toán là việc các kiểm toán viên độc lập kiểm tra và trình bày ý kiến của mình về các bản báo cáo tài chính”.
– Tiến sỹ RobertN. Anthor, Giáo sư trường đại học Harvatr cho rằng: “Kiểm toán là việc xem xét, kiểm tra các việc ghi chép kế toán bởi các kế toán viên công cộng, được thừa nhận bởi các tổ chức bên ngoài tổ chức kiểm tra”.
Ở nước ta: Quy chế về kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân Ban hành theo Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 (1992) đã ghi rõ:
Điều 5. Giải thích từ ngữ Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
|
Mục đích của kiểm toán độc lập
Hoạt động kiểm toán độc lập nhằm góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán và doanh nghiệp, tổ chức khác; làm lành mạnh môi trường đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; phát hiện và ngăn chặn vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ thể kiểm toán
Là những người kiểm toán viên (KTV) độc lập, có nghiệp vụ, có thẩm quyền. Độc lập: Độc lập về quan hệ tình cảm, kinh tế với lãnh đạo đơn vị được kiểm toán, khi tham gia vào hoạt động kiểm toán, KTV có thái độ độc lập hay tính độc lập về nghiệp vụ. Kiểm toán viên phải là người vô tư, khách quan trong công việc Kiểm toán (Tuy nhiên độc lập của Kiểm toán viên không phải là một khái niệm tuyệt đối nhưng nó là mục tiêu hướng tới và phải đạt được một mức độ nhất định nào đó).
Khách thể của kiểm toán
Là đơn vị được kiểm toán, có thể là một tổ chức kinh tế hay một đơn vị hành chính sự nghiệp… có tư cách pháp nhân (1 DNNN, 1 công ty cổ phần, 1 công ty TNHH… hoặc 1 bộ phận, 1 đơn vị thành viên của DN → không đủ tư cách pháp nhân, hay một cá nhân, hộ kinh doanh).
2. Nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập
1. Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và báo cáo kiểm toán.
2. Tuân thủ chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam; đối với công việc kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán mà yêu cầu áp dụng chuẩn mực kiểm toán khác thì phải tuân thủ chuẩn mực kiểm toán đó.
3. Độc lập, trung thực, khách quan.
4. Bảo mật thông tin.
Đối tượng trực tiếp của kiểm toán
– Kiểm toán bắt buộc là kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và các thông tin tài chính khác của đơn vị được kiểm toán quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 37 của Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp, tổ chức bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính phải được giao kết chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
– Doanh nghiệp, tổ chức bắt buộc phải kiểm toán khi nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và khi công khai báo cáo tài chính phải có báo cáo kiểm toán đính kèm; trường hợp cơ quan nhà nước khi nhận báo cáo tài chính của doanh nghiệp, tổ chức bắt buộc phải kiểm toán mà không có báo cáo kiểm toán đính kèm thì có trách nhiệm thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Chức năng kiểm toán
3.1 Chức năng xác minh
Nhằm khẳng định mức độ trung thực của tài liệu, tính pháp lý của việc thực hiện các nghiệp vụ hay việc lập các báo cáo tài chính. Đây là chức năng cơ bản gắn với việc ra đời, tồn tại và phát triển của Kiểm toán.
– Đối với các báo cáo tài chính việc thực hiện các chức năng xác minh này trước hết được thực hiện ở sự xác nhận của người kiểm tra độc lập ở bên ngoài. Việc xác minh báo cáo tài chính ngày nay có hai mặt:
+ Tính trung thực của các con số.
+ Tính hợp thức của các biểu mẫu phản ánh tình hình tài chính. Theo chuẩn mực của kiểm toán tài chính chức năng xác minh được thực hiện ở “báo cáo kiểm toán”.
– Đối với các thông tin khác đã được lượng hoá, việc xác minh được thực hiện trước hết qua hệ thống kiểm soát nội bộ. Kết quả cuối cùng khi đã xác minh được điều chỉnh trực tiếp để có hệ thống thông tin tin cậy và lập các báo cáo tài chính.
– Đối với kiểm toán các nghiệp vụ (hoạt động).
Chức năng xác minh được thực hiện bởi hệ thống ngoại kiểm hay nội kiểm. Sản phẩm của hoạt động xác minh này là những biên bản (biên bản kiểm tra, biên bản quản lý sai phạm, bên bản thanh tra các nghiệp vụ cụ thể, biên bản kiểm kê…)
Hiện nay lĩnh vực này kiểm toán hướng vào việc bày tỏ ý kiến.
– Trong chức năng xác minh của kiểm toán, vấn đề đặt ra sôi động hiện nay là phát hiện những gian lận và vi phạm trong tài chính. Trong kiểm toán vấn đề này đặt ra như những “khác biệt kỳ vọng” giữa kiểm toán và quản lý.
Sự khác biệt này mang tính tất yếu do thường xuyên có khoảng cách giữa mong muốn (phát hiện gian lận và vi phạm) với khả năng thực tế của tổ chức kiểm toán, cũng như quan hệ giữa chi phí và hiệu quả của kiểm toán. Hiện nay nhận thức còn có điều chưa thống nhất.
Quan điểm 1: Kiểm toán cần tạo niềm tin cho những người quan tâm, nói chung không cho phép sai sót trọng yếu trong đó có gian lận và sai sót lớn.
Quan điểm 2: Kiểm toán viên không có nghĩa vụ phát hiện tất cả các gian lận và sai sót. Thậm chí cũng có quan niệm cho rằng KTV không có trách nhiệm phát hiện gian lận và sai sót coi đây là trách nhiệm của nhà quản lý.
Phương hướng chung là xóa bỏ sự cách biệt trên. Để đạt được mục têu này, người ta hướng tới việc hoàn thiện các chuẩn mực, và vấn đề quan trọng hơn cả chính là chất lượng toàn diện của kiểm toán viên (cả đạo đức và chuyên môn).
3.2 Chức năng bày tỏ ý kiến
Được hiểu rộng với ý nghĩa cả kết luận về chất lượng thông tin và cả kết luận về pháp lý, tư vấn qua xác minh. Việc kết luận về chất lượng thông tin và kết luận về pháp lý hoặc tư vấn đều được thể hiện trên “báo cáo kiểm toán” hoặc “Thư quản lý ”.
+ Ở khu vực công cộng (gồm các DN nhà nước công ích và sản xuất kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị và cá nhân thụ hưởng Ngân sách) đều đặt dưới sự kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước thì chức năng bày tỏ ý kiến được thực hiện qua “báo cáo kiểm toán”.
+ Ở khu vực kinh doanh, các dự án ngoài ngân sách nhà nước thì chức năng bày tỏ ý kiến còn được thể hiện qua phương thức tư vấn và sản phẩm của nó là “Thư quản lý”.
Phân loại kiểm toán
- Kiểm toán nội bộ
- Kiểm toán nhà nước
- Kiểm toán độc lập
Khách thể của kiểm toán
– Khách thể của kiểm toán nhà nước: bao gồm tất cả các đơn vị, cá nhân có sử dụng Ngân sách nhà nước như:
+ Các dự án, công trình do Ngân sách nhà nước đầu tư.
+ Các DNNN: 100% vốn NSNN
+ Các xí nghiệp công cộng thuộc sở hữu nhà nước (100% vốn NSNN)
+ Các cơ quan kinh tế, quản lý của Nhà nước và các đoàn thể xã hội …
– Khách thể của kiểm toán độc lập:
+ Các doanh nghiệp và xí nghiệp tư (kể cả công ty TNHH)
+ Các DN 100% vốn đầu tư nước ngoài
+ Các liên doanh giữa các tổ chức trong và ngoài nước
+ Các HTX và DNCP
+ Các chương trình, dự án có nguồn kinh phí từ bên ngoài NSNN …
– Khách thể của kiểm toán nội bộ:
+ Các bộ phận cấu thành trong đơn vị
+ Các hoạt động, các chương trình, các dự án cụ thể trong đơn vị
+Các cá nhân trong đơn vị
4. Những khái niệm cơ bản thuộc nội dung kiểm toán
4.1 Gian lận và sai sót với việc xác định nội dung kiểm toán
* Gian lận: Là những hành vi chủ ý lừa dối, sửa đổi, xuyên tạc các thông tin kinh tế tài chính do một hay nhiều người trong Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện nhằm mục đích tham ô, biển thủ, che giấu tài sản, làm ảnh hưởng đến báo cáo tài chính. Gian lận biểu hiện dưới các dạng sau: + Ghi chép các nghiệp vụ không đúng sự thật.
+ Xử lý chứng từ theo ý muốn chủ quan, sửa đổi, xuyên tạc, làm giả chứng từ liên quan đến báo cáo tài chính làm sai lệch báo cáo tài chính.
+ Che giấu, cố ý bỏ sót các thông tin, tài liệu nghiệp vụ kinh tế làm sai lệch báo cáo tài chính.
+ Cố ý áp dụng sai các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp và chế độ kế toán, chính sách tài chính.
+ Biển thủ tài sản.
+ Cố ý tính toán sai về số học.
* Sai sót: Là những nhầm lẫn và sai sót không cố ý có ảnh hưởng tới số liệu kế toán, báo cáo tài chính như:
– Lỗi về tính toán số học hay ghi chép sai.
– Bỏ sót hay ghi trùng nghiệp vụ kinh tế.
– Áp dụng sai các nguyên tắc, phương pháp và chế độ kiểm toán.
– Hiểu sai, làm sai các khoản mục, các nghiệp vụ kinh tế dẫn đến định khoản vào các tài khoản sai không cố ý.
* Những nhân tố ảnh hưởng đến mực độ gian lận và sai sót
– Giám đốc hoặc người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các gian lận và sai sót trong đơn vị thông qua việc xây dựng và duy trì thực hiện thường xuyên hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ thích hợp.
– Do hạn chế vốn có của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ nên khó có thể loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra gian lận và sai sót.
– Ngoài các hạn chế trong thiết kế và thực hiện hệ thống kế toán, hệ thống kiểm toán nội bộ còn có những tình huống hoặc sự kiện làm tăng rủi ro do gian lận và sai sót gồm:
+ Những vấn đề liên quan đến tính chính trực hoặc năng lực của Ban Giám đốc.
+ Các sức ép bất thường đối với đơn vị.
+ Các nghiệp vụ và sự kiện không bình thường.
+ Những khó khăn liên quan đến thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp.
+ Những nhân tố từ môi trường tin học liên quan đến các tình huống và sự kiện trên.
*Những vấn đề liên quan đến tính chính trực hoặc năng lực của Ban giám đốc.
Các ví dụ thuộc lĩnh vực này gồm:
– Công tác quản lý bị một hay một nhóm người độc quyền nắm giữ, thiếu sự giám sát có hiệu lực của Ban giám đốc hoặc Hội đồng Quản trị.
– Cơ cấu tổ chức của đơn vị Kiểm toán phức tạp và có những rắc rối không cần thiết.
– Có sự bất lực trong sửa chữa những yếu kém của hệ thống kế toán và hệ thống Kiểm toán nội trong trong khi những yếu kém này hoàn toàn có thể sửa chữa được.
– Thay đổi thường xuyên Kế toán trưởng hoặc người có trách nhiệm của bộ phận kế toán tài chính.
– Thiếu nhiều nhân viên kế toán trong một thời gian dài.
– Bố trí người làm kế toán không đúng chuyên môn hoặc người bị pháp luật nghiêm cấm.
– Có sự thay đổi thường xuyên chuyên gia tư vấn pháp luật hoặc Kiểm toán viên.
– Cán bộ quản lý, cán bộ tài chính kế toán có thu nhập cao.
*Các sức ép bất thường trong đơn vị hoặc từ bên ngoài
– Ngành nghề kinh doanh gặp khó khăn, số đơn vị phá sản ngày càng tăng.
– Thiếu vốn kinh doanh do lỗ hoặc do mở rộng quy mô doanh nghiệp quá nhanh.
– Mức thu nhập giảm sút.
– Doanh nghiệp cố ý hạch toán tăng lợi nhuận nhằm khuyếch trương hoạt động.
– Đầu tư quá nhanh vào ngành nghề mới hoặc loại sản phẩm mới làm mất cân đối tài chính.
– Doanh nghiệp bị lệ thuộc quá nhiều vào một số sản phẩm, một số khách hàng.
– Sức ép về tài chính từ những nhà đầu tư hoặc các cấp quản lý đơn vị.
– Sức ép đối với nhân viên kế toán phải hoàn tất báo cáo tài chính trong một thời gian quá ngắn.
* Các nghiệp vụ và sự kiện bất thường
– Các nghiệp vụ đột xuất, đặc biệt xảy ra vào cuối niên độ kế toán có tác động đến doanh thu, chi phí và kết quả.
– Các nghiệp vụ hoặc phương pháp xử lý kế toán phức tạp.
– Các nghiệp vụ đối với các bên hữu quan (các bên được coi là hữu quan nếu một có khả năng điều hành kiểm soát bên kia hoặc có ảnh hưởng nhiều đến bên kia trong quá trình quyết định điều hành hoặc quyết định về tài chính).
– Chi trả cho các dịch vụ quá cao so với những dịch vụ được cung cấp. (Ví dụ: phí luật sư, tư vấn, đại lý, quảng cáo…)
* Các vấn đề liên quan đến thu nhập bằng chứng kiếm toán.
– Tài liệu kế toán không đầy đủ hoặc không được cung cấp kịp thời.
Ví dụ không thu thập đủ chứng từ, phát sinh chênh lệch lớn giữa sổ và báo cáo, những nghiệp vụ ghi chép sai hoặc để ngoài sổ sách kế toán.
– Lưu trữ tài liệu không đầy đủ về các sự kiện và các nghiệp vụ kinh tế.
Ví dụ: chứng từ không được phê duyệt, thiếu những tài liệu hỗ trợ cho những nghiệp vụ lớn và bất thường.
– Có chênh lệch lớn giữa sổ kế toán của đơn vị với xác nhận của bên thứ ba, mâu thuẫn giữa những bằng chứng Kiểm toán không giải thích được sự thay đổi của các chỉ số hoạt động.
– Ban Giám đốc từ chối cung cấp giải trình hoặc giải trình không thoả mãn yêu cầu của kiểm toán viên.
*Nhân tố từ môi trường tin học
– Không lấy được thông tin từ máy tính.
– Có thay đổi trong chương trình máy tính nhưng không lưu tài liệu, không được phê duyệt và không được kiểm tra.
– Thông tin tài liệu in từ máy vi tính không phù hợp với báo cáo tài chính. – Các thông tin inh ra từ máy vi tính mỗi lần một khác nhau.
Hãy cùng Kế toán Việt Hưng đón đọc những bài viết sắp tới để cập nhật những thông tin hữu ích cho công việc của mình nhé.