Học chứng chỉ hành nghề kế toán: Những thắc mắc thường gặp

Đánh giá

Học chứng chỉ hành nghề kế toán: Những thắc mắc thường gặp – Mọi sinh viên ngành kế toán đều muốn tốt nghiệp trở thành kế toán viên. Mọi kế toán viên muốn nâng cao vị thế và thu nhập đều muốn trở thành kế toán viên chuyên nghiệp, trong khi đó cơ sở công nhận kế toán viên chuyên nghiệp là các chứng chỉ hành nghề kế toán. Vậy học chứng chỉ hành nghề kế toán cần biết những gì? Đây là nỗi băn khoăn của những bạn đang có ý định tham dự kỳ thi để lấy Chứng chỉ kế toán viên. Bài viết này, Kế Toán Việt Hưng sẽ chia sẻ những thắc mắc thường gặp để thi học lấy chứng chỉ hành nghề kế toán.

chứng chỉ hành nghề kế toán
Học chứng chỉ hành nghề kế toán: Những thắc mắc thường gặp

1. Chứng chỉ hành nghề kế toán là gì?

Chứng chỉ hành nghề kế toán (hay chứng chỉ kế toán viên) là chứng chỉ công nhận trình độ, năng lực của một kế toán viên do Bộ Tài chính cấp sau khi người dự thi hoàn thành đạt yêu cầu kỳ thi cấp chứng chỉ được tổ chức hàng năm.

Một kế toán viên trong doanh nghiệp có thể có chứng chỉ hành nghề hoặc không, tuy nhiên đối với kế toán viên trong ngành kinh doanh dịch vụ kế toán thì đây là chứng chỉ rất cần thiết. Vì để một doanh nghiệp tin tưởng thuê kế toán viên từ dịch vụ này, họ cần một sự đảm bảo về năng lực cũng như tính chuyên nghiệp của kế toán, làm sao để họ nhận ra việc thuê kế toán tiện lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp hơn kế toán nội bộ.

=> Vì vậy CPA đóng vai trò là một bằng chứng đảm bảo khả năng là việc của kế toán viên. Đồng thời cũng là công cụ giúp Nhà nước quản lý được các cá nhân hoạt động kế toán ở Việt Nam.

2. Giải đáp những thắc mắc thường gặp khi học chứng chỉ hành nghề kế toán.

2.1  Điều kiện thi chứng chỉ hành nghề kế toán?

Căn cứ theo điều 4, Thông tư 129/2012/TT-BTC ngày 09/08/2012 của Bộ Tài chính, người dự thi lấy Chứng chỉ hành nghề kế toán phải có đủ các điều kiện sau:

  • Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.
  • Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán. Hoặc có bằng tốt nghiệp ĐH các chuyên ngành khác với tổng số học trình (tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trở lên trên tổng số học trình cả khóa học. Hoặc có bằng tốt nghiệp ĐH các chuyên ngành khác và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khoá học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán.
  • Có thời gian làm việc thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng, được tính trong khoảng thời gian từ tháng tốt nghiệp ghi trên bằng tốt nghiệp đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi.
  • Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và chi phí dự thi theo quy định.

=>Nhìn chung, ngành kế toán có những chuẩn mực, nguyên tắc nhất định thì mới có thể hành nghề, nhất là những vị trí quan trọng như kế toán trưởng, kế toán làm sổ sách,… yêu cầu các kế toán viên phải có nghiệp vụ cao mới có thể đạt điều kiện tuyển dụng và làm công việc một cách thuần thục, giúp cho doanh nghiệp phát triển, góp phần kích thích kinh tế phát triển.

2.2 Hồ sơ dự thi chứng chỉ hành nghề gồm những gì?

Hồ sơ dự thi này cũng chia ra làm 2 loại. Một là dành cho những người dự thi lần đầu và hai là dành cho những người đã thi từ lần 2 trở đi. Những quy định về hồ sơ dự thi cũng được ghi rõ ở Điều 5 Thông tư 129/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính như sau:

Trường hợp 1: Người đăng ký dự thi lần đầu để lấy chứng chỉ kế toán viên, hồ sơ dự thi gồm:

  • Phiếu đăng ký dự thi có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của Ủy ban nhân dân địa phương nơi cư trú, có dán ảnh màu cỡ 3×4 và đóng dấu giáp lai theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02a hoặc Phụ lục số 02b ban hành kèm theo Thông tư này kèm theo Giấy xác nhận về thời gian công tác thực tế làm tài chính, kế toán, kiểm toán có chữ ký của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền) và đóng dấu xác nhận của cơ quan, đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này;
  • Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu;
  • Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương nơi cư trú;
  • Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, có xác nhận của tổ chức cấp hoặc cơ quan công chứng. Nếu là bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác thì phải nộp kèm theo bảng điểm có chứng thực ghi rõ số đơn vị học trình (hoặc tiết học) của tất cả các môn học. Trường hợp người dự thi nộp bằng thạc sỹ, tiến sỹ thì phải nộp kèm theo bảng điểm học thạc sỹ, tiến sỹ có ghi rõ ngành học có chứng thực;
  • 3 ảnh màu cỡ 3x4cm mới chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người nhận.

Trường hợp 2: Người đăng ký dự thi tiếp các môn chưa thi hoặc thi lại các môn thi đã thi chưa đạt yêu cầu hoặc thi để đạt tổng số điểm quy định.

  • Phiếu đăng ký dự thi có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của Ủy ban nhân dân địa phương nơi cư trú, có dán ảnh màu cỡ 3×4 mới chụp trong vòng 6 tháng và đóng dấu giáp lai theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02a hoặc Phụ lục số 02b ban hành kèm theo Thông tư này;
  • Bản sao Giấy chứng nhận điểm thi của các kỳ thi trước do Hội đồng thi thông báo;
  • Ảnh và phong bì như quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

3. Nội dung thi chứng chỉ kế toán viên bao gồm những gì?

Để có được chứng chỉ kế toán viên  ngoài việc phải đáp ứng được các Điều kiện và thủ tục dự thi chứng chỉ kế toán viên thì người dự thi sẽ phải thi 4 môn sau đây:

–  Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp.

–  Tài chính và quản lý tài chính nâng cao.

–  Thuế và quản lý thuế nâng cao.

–  Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao

Nội dung từng môn thi bao gồm cả phần lý thuyết và phần ứng dụng vào bài tập tình huống quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư 129/2012/TT-BTC. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm soạn thảo, cập nhật và công khai nội dung, chương trình tài liệu học, ôn thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ kế toán viên.

4. Hình thức, thời lượng thi và thời hạn của chứng chỉ kế toán như thế nào?

Lịch tổ chức thi: Hội đồng thi tổ chức ít nhất mỗi năm một kỳ thi vào quý III hoặc quý IV. Và trước ngày thi ít nhất 60 ngày, Hội đồng thi thông báo chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian, địa điểm và các thông tin cần thiết khác liên quan đến kỳ thi.

Thời lượng thi của mỗi môn thi: người dự thi phải làm một bài thi viết trong thời gian 180 phút.

Thời hạn của chứng chỉ hành nghề kế toán: Theo thông tư 269/2016/TT-BTC thì giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có thời hạn tối đa là 60 tháng (5 năm) nhưng không được vượt quá ngày 31 tháng 12 của năm thứ 5.

5. Kết quả thi như thế nào là lấy được chứng chỉ hành nghề kế toán?

Trong thời hạn chậm nhất 60 ngày kể từ ngày kết thúc thi, Hội đồng thi phải công bố kết quả thi từng môn thi và thông báo cho người dự thi.

Căn cứ theo Điều 18 Thông tư 129/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính thì những quy định về điều này cũng được nêu rất rõ ràng và chi tiết.

a. Đạt yêu cầu thi:

– Môn thi đạt từ điểm 5 trở lên chấm theo thang điểm 10

– Người dự thi đạt yêu cầu cả 4 môn thi và có tổng số điểm từ 25 điểm trở lên là đạt yêu cầu thi

b. Bảo lưu kết quả thi:

– Điểm của các môn thi đạt yêu cầu được bảo lưu 3 năm kể từ năm của kỳ thi thứ nhất (tính tròn năm).

– Trong thời gian bảo lưu, người dự thi được thi tiếp các môn thi chưa thi hoặc thi lại những môn thi chưa đạt yêu cầu hoặc thi nâng điểm theo quy định tại khoản 3 Điều này nhưng mỗi môn thi được dự thi tối đa 3 lần thi (kể cả lần thi đầu tiên).

Ví dụ: Một người bắt đầu dự thi năm 2019 thì điểm các môn thi đạt yêu cầu của năm 2019 sẽ được bảo lưu trong các năm 2020, 2021. Đến năm 2021, nếu người dự thi vẫn chưa đạt yêu cầu thi thì khi dự thi vào năm 2022 kết quả thi được tính để xét đạt yêu cầu thi sẽ là kết quả thi của các năm 2020, 2021, 2022. Tương tự như vậy cho các năm từ 2023 trở đi.

c. Thi nâng điểm

– Trường hợp môn thi đạt >= 5 điểm nhưng tổng 4 môn thi không đạt 25 điểm thì được lựa chọn các môn thi để đăng ký thi nâng điểm trong phạm vi 3 lần.

– Trường hợp thi nâng điểm thì kết quả thi lấy theo điểm thi cao nhất của các lần thi.

6. Cấp chứng chỉ kế toán viên trong bao lâu?

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có kết quả thi đạt yêu cầu, Bộ Tài chính sẽ cấp chứng chỉ kế toán viên cho người đạt điểm yêu cầu.

Lưu ý: Trường hợp làm mất chứng chỉ kế toán viên sẽ không được cấp lại.Vì vậy, sau khi được cấp chứng chỉ kế toán viên, các bạn nên cất giữ cẩn thận.

Trên đây là những câu hỏi và giải đáp thắc mắc của những người học thi chứng chỉ hành nghề kế toán cần biết. Đây là một kỳ thi vô cùng khó khăn cho các bạn kế toán, hy vọng bài viết này Kế Toán Việt Hưng đã cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích và cần thiết trên con đường tiến đến đích lấy chứng chỉ hành nghề kế toán!

Chúc các bạn thành công!

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận