Bạn có biết? Từ 1/7/2024, mức lương tối thiểu vùng sẽ có sự thay đổi đáng chú ý. Điều này tác động trực tiếp đến cả doanh nghiệp và người lao động. Vậy thay đổi này cụ thể ra sao? Hãy cùng Kế Toán Việt Hưng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!
1. Mức lương tối thiểu vùng là gì?
Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người lao động được hưởng khi làm việc trong khu vực đó. Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
VÙNG | MỨC LƯƠNG TỐI THIẾU THÁNG (Đơn vị: đồng/tháng) | MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU GIỜ (Đơn vị: đồng/giờ) | ||
Trước 01/7/2024 | Từ 01/7/2024 | Trước 01/7/2024 | Từ 01/7/2024 | |
Vùng I | 4.680.000 | 4.960.000 | 22.500 | 23.800 |
Vùng II | 4.160.000 | 4.410.000 | 20.000 | 21.200 |
Vùng III | 3.640.000 | 3.860.000 | 17.500 | 18.600 |
Vùng IV | 3.250.000 | 3.450.000 | 15.600 | 16.600 |
2. Tình hình tăng lương 2024 và các điều chỉnh chính sách mới
2.1 Cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024
Thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 từ 01/7/2024.
2.2 Các hạn chế bất cập về hệ thống bảng lương
Căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 có đưa ra những hạn chế bất cập như sau:
– Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp.
– Hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
– Tính bình quân trong bảng lương không bảo đảm cuộc sống, không phát huy và động viên nhân tài.
– Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện giá trị thực của tiền lương.
– Quá nhiều loại phụ cấp và khoản thu nhập ngoài lương gây bất hợp lý và không rõ ràng trong thứ bậc hành chính.
– Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc đánh giá, trả lương và thưởng chưa được phát huy.
→ Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.
2.3 Cải cách về việc thiết kế 5 bảng lương mới khi cải cách tiền lương
Căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 có đề cập như sau:
– Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện tại, xây dựng mức lương cơ bản cụ thể theo bảng lương mới.
– Thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động cho những người thừa hành, phục vụ dưới trình độ trung cấp, không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.
– Xác định mức lương thấp nhất của công chức, viên chức tương đương với mức lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
– Mở rộng quan hệ tiền lương để xác định mức lương cụ thể, tiệm cận với khu vực doanh nghiệp theo mọi nguồn lực của Nhà nước.
– Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn theo bảng lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
→ Theo đó, để giải quyết những bất cập liên quan đến quy định hiện hành về mức lương cơ sở nhân với hệ số không phản ánh rõ giá trị thực của tiền lương, từ ngày 01/7/2024, việc cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 sẽ loại bỏ phương thức tính lương cũ này. Thay vào đó, sẽ thiết lập mức lương cơ bản cụ thể bằng số tiền nhất định trong 5 bảng lương mới, dựa trên vị trí việc làm.
→ Về chi tiết các bảng lương, hiện nay vẫn chưa có dự thảo hoặc văn bản chính thức nào quy định mức lương cụ thể trong 05 bảng lương dành cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
2.4 05 nhóm đối tượng hưởng lương theo vị trí việc làm
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, khi tiến hành cải cách tiền lương, sẽ xây dựng và ban hành 5 bảng lương mới dựa trên vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để thay thế hệ thống bảng lương hiện tại. Việc chuyển đổi từ lương cũ sang lương mới sẽ được thực hiện đảm bảo mức lương mới không thấp hơn lương hiện hưởng, áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
– 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã;
– 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo;
– 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an;
– 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;
– 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
2.5 Thay đổi cách tính lương so với 7 bảng lương hiện hành
Đồng thời, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Dự kiến từ ngày 01/7/2024, khi thực hiện cải cách tiền lương, toàn bộ 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm sẽ thay thế 7 bảng lương hiện hành và cách tính lương sẽ thay đổi như sau:
Cách tính lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018:
Lương thực hiện = Lương cơ bản + Phụ cấp (nếu có) + Tiền thưởng (nếu có) |
TRONG ĐÓ:
– Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và
– Phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
– Tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
3. Thay đổi về địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng
Theo Dự thảo Nghị định, danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2024 được quy định như sau:
* Điều chỉnh từ vùng II lên vùng I:
– TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương)
– Thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, TP Uông Bí, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh)
– Huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai)
– TP Tân An, huyện Đức Hòa, huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An)
* Điều chỉnh từ vùng III lên vùng II:
– TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang)
– TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, Kim Thành (tỉnh Hải Dương)
– TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình)
– TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa)
– Huyện Tân Phú, huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai)
– Thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa)
– TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng)
– Thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An)
* Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III:
– Các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà (tỉnh Hải Dương)
– Các huyện Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình)
– Các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa)
– Huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận)
Việc thay đổi mức lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế. Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin, thích ứng với thay đổi để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra ổn định và hiệu quả.