Bản chất – đối tượng và phương pháp của hạch toán kế toán

5/5 - (1 bình chọn)

Hạch toán kế toán là nội dung chuyên ngành mà mỗi sinh viên kế toán đều phải học và nắm vững. Bài viết dưới đây kế toán Việt Hưng sẽ giúp bạn đọc hiểu về bản chất – đối tượng và phương pháp của hạch toán kế toán.

 

hạch toán kế toán
Bản chất – đối tượng & phương pháp của hạch toán kế toán

Quản lý hoạt động kinh tế là nhu cầu tất yếu nảy sinh trong xã hội loài người. Vì vậy, đòi hỏi con người phải tiến hành đồng thời 4 quá trình: quan sát, đo lường, tính toán và ghi chép để có thể thu thập thông tin nhằm phục vụ cho việc quản lý tốt các hoạt động kinh tế.

Trong đó:

Quan sát: ghi nhận sự tồn tại của đối tượng cần thu thập

Đo lường: để lượng hoá đối tượng cần thu thập bằng các đơn vị đo lường tổng hợp

Hạch toán: quá trình sử dụng các phép tính, phương pháp phân tích, tổng hợp để tiếp tục lượng hoá thành các chỉ tiêu tổng hợp

Ghi chép: quá trình hệ thống hoá ghi lại từng thời kì, địa điểm phát sinh theo một trật tự nhất định để có căn cứ thông tin và ra quyết định phù hợp.

Từ đó ta có khái niệm hạch toán kế toán: Hạch toán là một hệ thống điều tra quan sát, tính toán, đo lường và ghi chép các quá trình kinh tế, nhằm quản lý các quá trình đó ngày một chặt chẽ hơn.

1. Bản chất của hạch toán kế toán

1.1 Nhiệm vụ của hạch toán kế toán:

  • Ghi chép, phản ánh kinh tế – tài chính phát sinh trong quá trình kinh doanh trên chứng từ, sổ sách
  • Lập các báo cáo tài chính
  • Cung cấp các thông tin về tình hình đầu tư, cung cấp, dự trữ, sử dụng các nguồn lực của đơn vị. Để huy động hợp lý nguồn vốn đầu tư, phương hướng, quản lý, sử dụng tài sản có hiệu quả.
  • Giám sát các hoạt động của đơn vị trên góc độ tài chính
  • Kiểm tra việc tuân thủ các chế độ, chính sách của nhà nước tại doanh nghiệp.

1.2 Phân loại hạch toán kế toán

Hạch toán nghiệp vụ: hạch toán nghiệp vụ là sự quan sát, phản ánh và kiểm tra trực tiếp từng nghiệp vụ, từng quá trình kinh tế cụ thể, phục vụ cho việc chỉ đạo thường xuyên, kịp thời tình hình thực hiện các nghiệp vụ, các quá trình đó.

Nghiệp vụ là tất cả các hoạt động kinh tế liên quan đến doanh nghiệp, hạch toán nghiệp vụ theo dõi từng quá trình từ cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất hay tiêu thụ. HT nghiệp vụ căn cứ vào nội dung, tính chất từng nghiệp vụ kinh tế và yêu cầu quản lý để sử dụng các loại thước đo thích hợp: hiện vật, lao động và giá trị.

+ Ưu: cung cấp thông tin liên tục, là những thông tin nhanh dung cho lãnh đạo nghiệp vụ hang ngày, mang tính kịp thời.

+ Nhược: Thông tin rời rạc, không có tính tổng hợp, toàn diện.

Hạch toán thống kê: là khoa học nghiên cứu mặt lưng trong mối quan hệ mật thiết với mặt chất của các hiện tượng kinh tế xã hội số lớn trong điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể, nhằm rút ra bản chất và tính quy luật trong sự phát triển của các hiện tượng đó.

+ Ưu: phạm vi nghiên cứu rộng, thong tin mang tính tổng hợp.

+ Nhược: do nghiên cứu số lớn các hiện tượng KT-XH nên thông tin không có tính thường xuyên, liên tục.

– Hạch toán kế toán: Tương ứng với khái niệm hạch toán. Là môn khoa học thu thập, xử lý và cung cấp thong tin về tài sản, nguồn hình thành TS và sự vận động của TS trong các tổ chức, đơn vị.

+ Sử dụng cả 3 loại thước đo, nhưng thước đo giá trị mang tính chủ yếu và bắt buộc.

+ Thông tin cung cấp mang tính thuyền xuyên, liên tục và toàn diện.

1.3 Nguyên tắc hạch toán kế toán

(1) Thực thể kinh doanh: Là bất kì đơn vị kinh tế nào nắm trong tay các tiềm lực và tiến hành các hoạt động kinh doanh. Khái niệm này vạch ra giới hạn trong việc thực hiện ghi chép kế toán. Các số liệu báo cáo cuả doanh nghiệp không được bao gồm bất cứ quá trình kinh doanh hoặc TS của doanh nghiệp hay cá nhân nào khác, kể cả TS cá nhân của chủ sở hữu doanh nghiệp.

(2) Kỳ kế toán: Là việc phân chia hoạt động của doanh nghiệp thành nhiều phân đoạn thời gian, gọi là kỳ kế toán.

(3) Thước đo tiền tệ: Dùng tiền tệ làm thước đo thống nhất trong việc ghi chép, tính toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Như vậy kế toán chỉ phản ánh những gì có thể biểu hiện bằng tiền.

(4) Nguyên tắc giá phí (giá phí lịch sử,chi phí, giá gốc): Việc tính toán tài sản, công nợ, chi phí , doanh thu phải dựa trên giá trị thực tế tại thời điểm phát sinh, không quan tâm đến gía thị trường.

(5) Nguyên tắc nhất quán: Kế toán không được thay đổi các nguyên tắc, khái niệm, các chuẩn mực và phương pháp kế toán được sử dụng từ thời kỳ này sang thời kỳ khác. Chỉ được thay đổi khi ghi chú trong BCTC và phải báo cáo cho các cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý.

(6) Doanh thu thực hiện (ghi nhận doanh thu): Doanh thu được ghi nhận khi quyền sở hữu hang hoá bán ra được chuyển giao, hoặc khi các lao vụ, dịch vụ hoàn thành chuyển giao.

(7) Nguyên tắc phù hợp: Chi phí để tính lãi lỗ là tất cả các chi phí phải gánh chịu để tạo nên doanh thu đã ghi nhận trong kỳ, tức là chi phí để tính lãi lỗ phải có sự phù hợp với doanh thu đã ghi nhận.

(8) Nguyên tắc hoạt động liên tục: Luôn đặt doanh nghiệp trong giả thuyết sẽ hoạt động liên tục vô thời hạn hoặc ít nhất không bị giải thể trong tương lai gần.

(9) Nguyên tắc khách quan: Tài liệu do kế toán cung cấp phải mang tính khách quan và có thể kiểm tra được.

(10) Nguyên tắc công khai: Yêu cầu công khai đầy đủ tất cả số liệu và sự việc có liên quan đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh cuả doanh nghiệp. Các BCTC phải có phần ghi chú thêm những thông tin quan trọng khác mà các báo cáo chưa đề cập đến (sự thay đổi trong phương pháp kế toán, phương pháp tính giá vốn hàng bán…).

(11) Nguyên tắc thận trọng: Thu nhập chỉ được ghi khi có chứng cứ chắc chắn, và chi phí được ghi ngay khi chứng cứ có thể (chưa chắc chắn).

(12) Nguyên tắc trọng yếu: Một khoản mục là quan trọng nếu có lý do để biết rằng nó sẽ ảnh hưởng đến quyết định của những người sử dụng báo cáo tài chính.

2. Đối tượng hạch toán kế toán

Đối tượng của HTKT có thể được phân tích qua các nội dung sau:

– HTKT theo dõi, ghi chép, phản ảnh về toàn bộ TS của đơn vị và nguồn hình thành TS đó.

– TS trong đơn vị thường xuyên vận động, HTKT không chỉ nghiên cứu trạng thái tĩnh, mà còn nghiên cứu trạng thái động của vốn kinh doanh.

– HTKT còn nghiên cứu các quan hệ kinh tế – pháp lý ngoài vốn của đơn vị như: TSCĐ thuê ngoài, nhận vật liệu gia công…

Biểu hiện cụ thể của đối tượng HTKT

(1) TS và nguồn hình thành TS của đơn vị

TÀI SẢN

a) Điều kiện ghi nhận tài sản:

– Là những nguồn lực kinh tế có thể mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai.

– Tài sản phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát, sử dụng lâu dài của đơn vị.

– Tài sản phải có giá trị và giá trị phải được xác định bằng tiền.

b) Phân loại tài sản:

* Tài sản ngắn hạn: là những TS thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, có thời gian sử dụng, luân chuyển, thu hồi trong một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh.

– TSNH trong sản xuất:

+ TSNH dự trữ cho SX: nguyên vật liệu, nhiên liệu, công cụ, dụng cụ… đang dự trữ trong kho chuẩn bị cho quá trình SX.

+ TSNH trong SX: giá trị các loại TS còn đang nằm trong quá trình SX, gồm nửa thành phẩm, sản phẩm dở dang

– TSNH trong lưu thông:

+ TSNH dự trữ trong lưu thông: thành phẩm, hàng hoá dự trữ trong kho hoặc gởi đi bán.

+ TSNH trong quá trình lưu thông: vốn bằng tiền, các khoản phải thu khách hàng, các khoản phải thu khác (pthu nội bộ, các cơ quan…).

Các khoản phải thu là số TS của đơn vị nhưng đang bị các tổ chức, tập thể hay các nhân khác chiếm dụng mà đơn vị các trách nhiệm phải thu hồi.

– TSNH tài chính: là các khoản đầu tư về vốn nhằm mục đích kiếm lời có thời hạn thu hồi trong vòng 1 năm hay 1 chu kỳ kinh doanh các loại đầu tư liên doanh ngắn hạn, đầu tư chứng khoán ngắn hạn…

– TSNH khác: kí quỹ, kí cược ngắn hạn, tạm ứng…

* TS dài hạn: là những TS có giá trị lớn và thời gian luân chuyển dài (trên 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh)

– Phải thu dài hạn: là số TS của DN đang bị chiếm dụng, có thời hạn thu hồi trên một năm hay ngoài một chu kỳ kinh doanh.

– TSCĐ: TSCĐ là những TS có đủ tiêu chuẩn của TSCĐ về giá trị và thời gian sử dụng theo quy chế hiện hành.

+ TSCĐ hữu hình: là những TSCĐ có hình thái vật chất cụ thể. Đặc điểm:

  • Tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh mà vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu. 
  • Giá trị chuyển dịch dần vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.

Bao gồm: nhà cửa, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, phương tiện truyền dẫn…

+ TSCĐ vô hình: là những TSCĐ không có hình thái vật chất cụ thể, như: quyền sử dụng đất, quyền phát hành, bản quyền, nhãn hiệu hàng hoá, phần mềm máy vi tính… 

+ TSCĐ thuê tài chính

– Bất động sản đầu tư: là các tài sản mà doanh nghiệp nắm giữ để cho thuê hoặc chờ tăng giá mà không phải bán trong kỳ hoạt động kinh doanh thông thường hay sử dụng cho hoạt động SX-KD của doanh nghiệp. Như: quyền sử dụng đất do dnghiệp mua lại…

– Đầu tư tài chính dài hạn: là những khoản đầu tư có thời gian thu hồi vốn dài ( trên 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh).

– TSDH khác: chi phí trả trước dài hạn, TS thuế thu nhập hoãn lại…

NGUỒN VỐN

* Nguồn vốn CSH: là số vốn của các chủ sở hữu, các nhà đầu tư đóng góp, hoặc hình thành từ kết quả kinh doanh mà DN không phải cam kết thanh toán. –

Vốn góp: do các CSH, các nàh đầu tư đóng để thành lập hoặc mở rộng kinh doanh.

– Lợi nhuận chưa phân phối:

– Nguồn vốn CSH khác: các quỹ, chênh lệch tỷ giá chưa xử lý, chênh lệh đánh gía lại TS…

* Nợ phải trả: là số tiền vốn mà doanh nghiệp đi vay, chiếm dụng của các đơn vị, tổ chức, các nhân và bên trong doanh nghiệp.

– Nợ ngắn hạn: là số tiền DN có trách nhiệm phải trả trong vòng một chu kỳ hoạt động kinh doanh bình thường hoặc một năm. Như: vay ngắn hạn, khoản nợ dài hạn đến hạn trả, phải trả người bán, phải trả cho công nhân viên,…

– Nợ dài hạn: là các khoản nợ có thời gian trả nợ trên một năm. Gồm: vay dài hạn, các khoản phải trả dài hạn…

hạch toán kế toán

TUẦN HOÀN CỦA VỐN KINH DOANH

hạch toán kế toán

⇒ Như vậy hạch toán kế toán cung cấp thông tin về sự biến đổi của tài sản qua các giai đoạn nhằm đề xuất phương hướng và biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Kết luận về đối tượng hạch toán KT

– Có tính 2 mặt, độc lập với nhau nhưng cân bằng với nhau về lượng.

– Luôn vận động theo một trật tự xác định và khép kín.

– Luôn có tính đa dạng.

– Mỗi đối tượng của HTKT đều gắn với lợi ích kinh tế, quyền lợi, trách nhiệm của nhiều phía khác nhau.

3. Phương pháp của hạch toán kế toán

Gồm 4 phương pháp cơ bản:

3.1 Phương pháp tổng hợp và cân đối kế toán

  • Là phương pháp khái quát tình hình tài sản, nguồn vốn và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị hạch toán qua các thời kỳ nhất định. 
  • Bằng cách lập các báo cáo có tính tổng hợp và cân đối như bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh,…
  • Phương pháp này được sử dụng trong quản lý kinh tế. Khi muốn có những thông tin tổng hợp hay bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính doanh nghiệp.

3.2 Phương pháp tính giá

  • Là phương pháp thông tin và kiểm tra về chi phí trực tiếp và gián tiếp cho từng loại hoạt động, từng loại hàng hóa.
  • Sử dụng thước đo tiền tệ để tính toán, xác định giá trị của từng loại tài sản của đơn vị thông qua việc mua vào, nhận góp vốn, được cấp, được tài trợ hoặc nhận sản xuất theo những nguyên tắc nhất định.

3.3 Phương pháp chứng từ kế toán

  • Là phương pháp thông tin và kiểm tra sự hình thành các nghiệp vụ kinh tế. Để phản ánh và có thể kiểm chứng được các nghiệp vụ kinh tế, kế toán có một phương pháp là: mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh đều phải lập các chứng từ là giấy tờ hoặc vật chứa đựng thông tin (vật mang tin), làm bằng chứng xác nhận sự phát sinh và hoàn thành của các nghiệp vụ kinh tế.
  • Phương pháp chứng từ kế toán nhằm sao chụp nguyên tình trạng và sự vận động của các đối kế toán, được sử dụng để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh và thực sự hoàn thành theo thời gian, địa điểm phát sinh vào các bản chứng từ kế toán.
  • Hệ thống chứng từ kế toán là căn cứ pháp lý cho việc bảo vệ tài sản và xác minh tính hợp pháp trong việc giải quyết các mối quan hệ kinh tế pháp lý thuộc đối tượng hạch toán kế toán, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh.

3.4 Phương pháp đối ứng

  • Là phương pháp thông tin và kiểm tra quá trình vận động của mỗi loại tài sản, nguồn vốn và quá trình kinh doanh theo mối quan hệ biện chứng được phản ánh vào trong mỗi nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
  • Phương pháp đối ứng tài khoản được hình thành bởi cặp phương pháp tài khoản và phương pháp ghi sổ kẹp.

Phương pháp tài khoản là phương pháp phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ phát sinh kinh tế theo từng nội dung kinh tế. Nhằm theo dõi tình hình biến động của từng loại TS, nguồn vốn,… trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Phương pháp ghi sổ kẹp phản ánh sự biến động của các đối tượng kế toán, theo từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh, trong mối liên hệ khách quan giữa chúng, bằng cách ghi sổ kẹp vào các tài khoản liên quan.

Hy vọng bài viết trên đây mà kế toán Việt Hưng chia sẻ đến bạn đọc sẽ cung cấp những tài liệu hữu ích trong quá trình học tập. Củng cố thêm kiến thức chuyên ngành. Chúc bạn thành công.

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận