Nguyên tắc kế toán được thừa nhận là những chuẩn mực chung, là kim chỉ nam cho việc đánh giá, ghi chép, phân loại và báo cáo cung cấp thông tin về hoạt động kinh tế, tài chính của Doanh nghiệp.
Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 “Chuẩn mực chung” quy định các nguyên tắc kế toán cơ bản gồm:
A – 7 nguyên tắc kế toán cần biết
1. Nguyên tắc cơ sở dồn tích
Mọi nghiệp vụ, kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm thực tế phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu tiền, chi tiền hoặc tương đương tiền. Báo cáo tài chính lập trên cơ sở dồn tích phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
2. Nguyên tắc hoạt động liên tục
- Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định doanh nghiệp hoạt động liên tục hoặc ít nhất sẽ không bị giải thể trong tương lai gần.
- Báo cáo tài chính phản ánh giá trị tài sản theo giá gốc, không phản ánh theo giá trị thị trường.
- Nguyên tắc hoạt động liên tục được vận dụng trong đa số các tình huống. Tuy nhiên, một doanh nghiệp đang chuẩn bị ngừng kinh doanh thì khái niệm kinh doanh liên tục sẽ không được vận dụng vào việc lập các báo cáo của nó.
3. Nguyên tắc giá gốc (giá vốn)
Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của kế toán. Theo nguyên tắc này:
- Việc ghi chép, phản ánh các tài sản, công nợ, vốn, doanh thu, chi phí phải theo giá gốc của chúng, tức là theo số tiền mà doanh nghiệp bỏ ta để có được những tài sản đó.
- Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.
- Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.
4. Nguyên tắc phù hợp
- Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó.-
- Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu, chi phí các kỳ trước và chi phí của kỳ sau nhưng liên quan đến doanh thu được ghi nhận.
5. Nguyên tắc nhất quán
Việc áp dụng, thực hiện các khái niệm, các nguyên tắc, các chuẩn mực và các phương pháp kế toán phải được thực hiện trên cơ sở thống nhất trong suốt các niên độ kế toán. Trong trường hợp đặc biệt, nếu có sự thay đổi chính sách kế toán đã lựa chọn thì doanh nghiệp phải giải trình lý do và sự ảnh hưởng của sự thay đổi đó trong thuyết minh báo cáo tài chính.
6. Nguyên tắc thận trọng
Nguyên tắc này đề cập đến việc lựa chọn những giải pháp sao cho ít ảnh hưởng nhất tới nguồn vốn chủ sở hữu. Nguyên tắc này đòi hỏi:
- Kế toán ghi nhận doanh thu và thu thập khi có chứng cứ chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí được ghi nhận ngay khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí (chưa chắc chắn).
- Phải lập các khoản dự phòng nhưng không quá lớn.
- Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập.
- Không đánh giá thấp hơn giá trị các khoản nợ phải trả và chi phí.
7. Nguyên tắc trọng yếu (thực chất)
Nguyên tắc này chỉ chú trọng đến những vẫn đề mang tính trọng yếu, quyết định bản chất và nội dung của sự vật, không quan tâm đến các yếu tố có ít tác dụng trọng báo cáo tài chính .
- Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thiếu sự chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.
- Tính trọng yếu phụ thuộc vào độ lớn và tính chất thông tin hoặc các sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể .
- Tính trọng yếu của các thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính. Nguyên tắc trọng yếu giúp cho việc ghi chép kế toán đơn giản, hiệu quả hơn nhưng vẫn đảm bảo tính chất trung thực, khách quan.
B – Đối tượng kế toán
Đối tượng nghiên cứu của kế toán là vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài việc sử dụng thước đo bằng tiền, kế toán còn sử dụng thước đo bằng hiện vật như kg, cái, m… và thước đo về thời gian lao động nhưngày, giờ…
Dưới giác độ nghiên cứu kế toán phân loại vốn kinh doanh thành hai mặt :
– Một mặt là kết cấu của tài sản: Tài sản này bao gồm những gì như nhà cửa, máy móc, thiết bị …
– Một mặt là nguồn hình thành nên tài sản đó: Tài sản này do đâu mà có từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp hay từ nguồn vay mượn để mua sắm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Tóm lại : Đối tượng nghiên cứu của kế toán là vốn kinh doanh của doanh nghiệp được phản ánh theo hai mặt: kết cấu và nguồn hình thành nên tài sản của doanh nghiệp.
MỐI QUAN HỆ GIỮA TÀI SẢN VÀ NGUỒN VỐN
Tài sản và nguồn vốn có mối quan hệ mật thiết với nhau thể hiện ở đặc điểm: bất kỳ một tài sản nào cũng được hình thành đƣợc từ một hoặc một số nguồn nhất định và một nguồn có thể tham gia hình thành nên một hoặc nhiều tài sản khác .
Về mặt giá trị nếu đứng trên giác độ phân loại đối tượng nghiên cứu thì chúng ta thấy rằng tài sản và nguồn vốn là hai cách phân loại khác nhau để phản ánh vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó tổng giá trị tài sản bao giờ cũng bằng tổng nguồn hình thành tài sản. Ta có phương trình kế toán:
Sau đây ta nghiên cứu cụ thể cách phân loại đối tượng kế toán này:
*) Phân loại đối tượng kế toán theo kết cấu của vốn kinh doanh (Tài sản)
1. TÀI SẢN NGẮN HẠN
TSNH là những tài sản có thời gian sử dụng, luân chuyển, thu hồi vốn trong một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh. TSNH tồn tại dưới dạng vốn bằng tiền, các khoản đầu tư ngắn hạn, các khoản phải thu, hàng tồn kho …
1.1. Tiền và các khoản tương đương tiền:
Bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển và đầu tư tài chính ngắn hạn có thời hạn thu hồi dưới 3 tháng.
– Tiền mặt: Tiền mặt có tại quỹ của doanh nghiệp, ngoại tệ,vàng bạc, đá quý.
– Tiền gửi ngân hàng: Là giá trị vốn bằng tiền mà doanh nghiệp đã gửi tại ngân hàng hay kho bạc, công ty tài chính.
– Tiền đang chuyển: Là giá trị các loại vốn bằng tiền Việt Nam hay ngoại tệ doanh nghiệp đã nộp vào kho bạc, ngân hàng hay đã làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản tại ngân hàng để trả cho đơn vị khác nhưng chưa nhận được giấy báo.
– Các khoản tương đương tiền bao gồm các khoản đầu tư tài chính như cho vay, mua chứng khoán có thời hạn thu hồi dưới 3 tháng.
1.2 Đầu tư tài chính ngắn hạn:
Đầu tư tài chính là việc dùng tiền để mua các chứng khoán hay góp vốn liên doanh nhằm mục đích sử dụng hợp lý các nguồn vốn để tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị .
– Đầu tư chứng khoán ngắn hạn: Là việc dùng tiền để mua các loại trái phiếu, cổ phiếu có thể mua bán trên thị trường kể cả tín phiếu kho bạc hay kỳ phiếu ngân hàng mà có thể thu hồi trong một năm hay một chu kỳ sản xuất kinh doanh.
– Đầu tư ngắn hạn khác: Góp vốn liên doanh, cho thuê tài sản, cho vay… có thời gian thu hồi vốn trong một năm hay một chu kỳ sản xuất kinh doanh.
1.3 Các khoản phải thu:
Là tài sản của doanh nghiệp nhưng do cá nhân hay doanh nghiệp khác chiếm dụng, sẽ phải trả lại doanh nghiệp, hay doanh nghiệp có trách nhiệm thu về
– Phải thu của khách hàng: Là số tiền hàng mà khách hàng đã mua sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa của doanh nghiệp nhưng chưa thanh toán cho doanh nghiệp (bán chịu).
– Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ – thuế phải thu: (thuế VAT đầu vào) là số thuế VAT ghi trên hóa đơn VAT mua hàng hóa, dịch vụ, và chứng từ nộp thuế VAT của hàng nhập khẩu
– Phải thu nội bộ: Phản ánh các khoản nợ (phải thu) của doanh nghiệp đối với cấp trên hoặc các đơn vị trực thuộc, phụ thuộc trong một doanh nghiệp độc lập; các khoản mà đơn vị cấp dƣới có nghĩa vụ phải nộp cho cấp trên hoặc cấp trên phải cấp cho cấp dưới.
– Phải thu khác:
+ Trị giá tài sản thiếu, đã phát hiện chưa xác định được nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý.
+ Trị giá tài sản thiếu đã có quyết định xử lý.
+ Các khoản cho vay, cho mượn vật tư tiền vốn có tính chất tạm thời.
+ Các khoản phải thu cho thuê tài chính, lãi đầu tư tài chính.
– Dự phòng phải thu khó đòi: Là giá trị các khoản phải thu có khả năng không đòi được vào cuối niên độ kế toán.
1.4 Các khoản ứng trước:
– Tạm ứng : Là khoản tiền tạm ứng cho CBCNV để thực hiện một nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
– Chi phí trả trước : Phản ánh các khoản chi phí thực tế đã phát sinh nhưng chưa tính vào chi phí sản xuất kỳ này vì nó có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều kỳ hạch toán nó phải được tính cho hai hay nhiều kỳ hạch toán tiếp theo.
Ví dụ:
– Chi phí phải trả về thuê nhà xưởng, văn phòng … phục vụ kinh doanh liên quan nhiều kỳ kế toán.
– Tiền mua các loại bảo hiểm như (cháy nổ, phương tiện vận tải) trả một lần trong năm.
+ Công cụ, dụng cụ xuất dùng một lần với giá trị lớn và bản thân công cụ, dụng cụ đó tham gia từ hai kỳ hạch toán trở lên, phải phân bổ dần vào các đối tượng chịu chi phí.
+ Chi phí trong thời gian ngừng việc.
+ Chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định phát sinh lớn.
+ Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp thực tế phát sinh trong kỳ đối với những hoạt động có chu kỳ kinh doanh dài, nhưng trong kỳ không có hoặc có ít doanh thu bán hàng, được phép kết chuyển chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp một phần, phần còn lại kết chuyển vào chi phí trả trước để phân bổ vào chi phí kỳ sau.
– Thế chấp, ký cược, ký quỹ ngắn hạn: Phản ánh các khoản tiền, vật tư, tài sản … doanh nghiệp mang đi thế chấp, ký quỹ, ký cược ngắn hạn (có thời gian thu hồi 1 năm) tại ngân hàng, kho bạc, tổ chức kinh tế khác.
1.5 Hàng tồn kho:
Hàng tồn kho: Là những tài sản:
– Được giữ để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường;
– Đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh dở dang;
– Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ để sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ.
Hàng tồn kho bao gồm:
– Hàng mua đang đi trên đường :
+ Hàng hóa, vật tư mua ngoài đã trả tiền hoặc chấp nhận thanh toán nhưng còn để ở kho người bán, ở bến cảng, bến bãi, trên đường vận chuyển.
+ Hàng hóa vật tư mua về nhưng chờ kiểm nghiệm, kiểm nhận.
– Nguyên vật liệu: Là những đối tượng lao động doanh nghiệp mua ngoài hoặc tự sản xuất ra dùng cho mục đích sản xuất ra sản phẩm của doanh nghiệp.
Bao gồm:
+ Nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế.
+ Vật liệu và thiết bị xây dựng cơ bản, phế liệu thu hồi.
– Công cụ, dụng cụ: Là những tư liệu lao động không có đủ tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng theo quy định đối với tài sản cố định. Vì vậy nó được quản lý và hạch toán nhƣ nguyên vật liệu và TSCĐ.
– Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (giá trị sản phẩm dở dang): Là chi phí sản xuất bỏ ra nhằm mục đích chế tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh nhưng tại một thời điểm nhất định (cuối kỳ) chi phí này chưa chế tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh nó bao gồm 3 yếu tố chi phí :
+ Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp.
+ Chi phí nhân công trực tiếp.
+ Chi phí sản xuất chung.
– Thành phẩm: Là giá trị những sản phẩm đã kết thúc quá trình sản xuất do các phân xưởng sản xuất ra hoặc thuê ngoài gia công đã xong được kiểm nghiệm phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, được nhập kho để tiêu thụ.
Như vậy chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm là hai mặt khác nhau của quá trình sản xuất, một bên là yếu tố chi phí “đầu vào” và một bên là kết quả sản xuất ở “đầu ra”. Nhưng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm có mối quan hệ mật thiết với nhau vì nó có nguồn gốc giống nhau (bao gồm 3 yếu tố chi phí) chỉ khác nhau về phạm vi và hình thái biểu hiện. Chi phí sản xuất được tính trong phạm vi giới hạn từng kỳ nhất định (tháng, quý, năm) và chi phí sản xuất trong từng kỳ có liên quan đến hai bộ phận khác nhau. Giá trị sản phẩm đã hoàn thành và giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ.
Sự khác nhau giữa chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm có thể trình bày bằng hình vẽ sau:
– Hàng hóa: Là giá trị các loại vật tƣ, sản phẩm doanh nghiệp mua về với mục đích để bán (bán buôn hoặc lẻ).
– Hàng gửi đi bán : Phản ánh giá trị hàng hóa, sản phẩm đã gửi hoặc chuyển đến cho khách hàng nhưng chưa được chấp nhận thanh toán. (Giá trị thực tế của sản phẩm, hàng hóa nhờ đại lý bán, ký gửi đã bàn giao cho khách hàng theo hợp đồng nhưng chưa được chấp nhận thanh toán).
– Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: là dự phòng phần giá trị bị tổn thất do giá vật tư, thành phẩm, hàng hóa tồn kho bị giảm. Để phản ánh đúng giá trị thực tế của hàng tồn kho, nhằm đưa ra một hình ảnh trung thực về tài sản của doanh nghiệp khi lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ hạch toán.
2. TÀI SẢN DÀI HẠN
Tài sản dài hạn là những tài sản có giá trị lớn, có thời gian sử dụng, luân chuyển và thu hồi vốn trên một năm hoặc trên một chu kỳ sản xuất kinh doanh.
– Tài sản cố định hữu hình : là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…
– Tài sản cố định thuê tài chính : là những TSCĐ mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.
– Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…
– Hao mòn tài sản cố định: là sự giảm dần giá trị sử dụng và giá trị của tài sản cố định do tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, do bào mòn của tự nhiên, do tiến bộ kỹ thuật… trong quá trình hoạt động của tài sản cố định.
– Đầu tư chứng khoán dài hạn: Là dùng tiền mua các chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) có thời gian thu hồi vốn trên một năm.
– Góp vốn liên doanh dài hạn: Là hoạt động đầu tư tài chính mà doanh nghiệp dùng tiền, tài sản của mình để đầu tƣ với một doanh nghiệp khác để cùng nhau chia thu nhập hoặc chịu rủi ro theo tỷ lệ vốn góp.
– Đầu tư dài hạn khác : Như đầu tư kinh doanh bất động sản, cho vay vốn, cho thuê tài sản cố định theo phương thức thuê tài chính mà thời hạn thu hồi vốn trên một năm.
– Dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn: là dự phòng phần giá trị bị tổn thất do các loại chứng khoán đầu tƣ của doanh nghiệp bị giảm giá; giá trị các khoản đầu tƣ tài chính bị tổn thất do tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tƣ vào bị lỗ.
– Xây dựng cơ bản dở dang : Là chi phí bỏ ra mua sắm hoặc xây dựng, sửa chữa tài sản cố định chƣa hoàn thành.
Bao gồm :
+ Chi phí mua sắm tài sản cố định chưa nghiệm thu, bàn giao hoặc chi phí cải tạo, nâng cấp tài sản cố định chưa xong.
+ Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chưa hoàn thành, bàn giao.
+ Chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định của doanh nghiệp đến cuối kỳ chưa hoàn thành, bàn giao.
– Ký quỹ, ký cược dài hạn : Phản ánh số tiền mà doanh nghiệp đem đi ký quỹ, ký cược dài hạn thời gian từ một năm trở lên.
*) Phân loại vốn kinh doanh theo nguồn hình thành (nguồn vốn)
Theo cách phân loại này thì nguồn hình thành nên tài sản bao gồm : Nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu.
1. Nợ phải trả
Là các khoản nợ phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải trả, phải thanh toán cho các chủ nợ như nợ vay ngân hàng, phải trả người bán, nợ thuế, nợ lương … bao gồm :
– Vay ngắn hạn : Là các khoản tiền vay (vay ngân hàng, vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp) có thời hạn trả trong vòng một năm kể từ ngày vay.
– Nợ dài hạn đến hạn trả : Là các khoản vay dài hạn, nợ dài hạn sẽ phải trả cho chủ nợ trong niên độ kế toán hiện hành.
– Phải trả cho người bán : Các khoản tiền mà doanh nghiệp mua vật liệu, hàng hóa, dịch vụ chưa thanh toán cho người bán, người cung ứng dịch vụ.
– Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước : Các khoản thuế, lệ phí mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp ngân sách như thuế VAT, thuế TTĐB, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế nhà đất …
– Phải trả người lao động : Bao gồm tiền lương, tiền công, tiền thưởng và các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của công nhân viên.
– Chi phí phải trả :
Các khoản được ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế chưa phát sinh (chưa chi), mà sẽ chi trong kỳ kế toán sau cho các đối tượng chịu chi phí để đảm bảo khi chi phí phát sinh không gây đột biến cho chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ như :
+ Chi phí tiền lương cho công nhân sản xuất trong thời gian đi phép.
+ Chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định có dự trù trước công việc cho năm kế hoạch hoặc một số niên độ kế toán.
+ Các khoản lãi tiền vay chưa đến kỳ trả lãi, phải ghi vào chi phí trong kỳ này.
– Phải trả nội bộ : Phản ánh các khoản phải trả giữa doanh nghiệp với các đơn vị trực thuộc, phụ thuộc (đơn vị thành viên) và giữa các đơn vị trực thuộc trong một doanh nghiệp độc lập.
– Phải trả, phải nộp khác :
+ Trị giá tài sản thừa chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý của cấp trên.
+ Giá trị tài sản thừa phải trả cho cá nhân, tổ chức kinh tế theo qui định của cấp trên.
+ BHXH (22%), BHYT (4,5%), KPCĐ (2%), BHTN(2%).
+ Các khoản phải trả cho cá nhân, đơn vị bên ngoài khi nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn.
+ Lãi phải trả cho các bên tham gia liên doanh.
– Vay dài hạn : Phản ánh các khoản tiền vay dài hạn của ngân hàng hay các tổ chức kinh tế khác để xây dựng cơ bản hay mua sắm tài sản cố định (máy móc, thiết bị).
– Nợ dài hạn : Các khoản nợ như nợ thuê tài sản cố định thuê tài chính hay các khoản nợ dài hạn khác.
– Nhận ký quỹ, ký cược dài hạn : Các khoản tiền mà doanh nghiệp nhận ký quỹ, ký cược dài hạn của các đơn vị, cá nhân bên ngoài (trên một năm) để đảm bảo các dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị như : hợp đồng đại lý, hợp đồng kinh tế giao hàng đúng tiến độ (nhận ký quỹ, ký cược dài hạn bằng hiện vật không theo dõi ở nội dung này).
– Quỹ khen thưởng, phúc lợi : Dùng để khen thưởng CBCNV có thành tích và trang trải các hoạt động phúc lợi của doanh nghiệp.
2. Nguồn vốn chủ sở hữu :
Là số vốn chủ doanh nghiệp không phải trả (không phải cam kết thanh toán) nó bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu và các quỹ của doanh nghiệp, …
– Vốn đầu tư của chủ sở hữu :
+ Doanh nghiệp Nhà nước : Nguồn vốn kinh doanh do ngân sách cấp và được bổ sung từ thu nhập trong SXKD hoặc do biếu, tặng, nhận vốn góp liên doanh …
+ Công ty cổ phần : Vốn đầu tư của chủ sở hữu hình thành do vốn của các cổ đông góp vào (mua cổ phiếu) và được bổ sung từ thặng dư vốn cổ phần, thu nhập trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc góp vốn liên doanh, mua cổ phiếu ngân quỹ.
+ Công ty TNHH : Vốn đầu tư của chủ sở hữu do các bên tham gia liên doanh góp vốn và được bổ sung từ kết quả sản xuất kinh doanh.
+ Doanh nghiệp tư nhân: Do chủ doanh nghiệp bỏ vốn ra
– Chênh lệch đánh giá lại tài sản : Phản ánh giá trị chênh lệch (tăng hay giảm) của tài sản khi có quyết định kiểm kê đánh giá lại tài sản (nhà nƣớc, HĐQT, sáng lập viên).
– Chênh lệch tỷ giá : Phản ánh số chênh lệch tỷ giá (tăng hay giảm) của số ngoại tệ hiện có của doanh nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh.
– Quỹ đầu tư phát triển : Dùng để đầu tư phát triển, mở rộng, đổi mới trang thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn kỷ thuật cho công nhân viên, bổ sung vốn lưu động, góp vốn liên doanh, mua cổ phiếu …
– Quỹ dự phòng tài chính : Để bù đắp các khoản thiệt hại, tổn thất về tài sản do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, những rủi ro trong kinh doanh không được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ (sau khi đã trừ các khoản đền bù thiệt hại của cơ quan bảo hiểm).
– Lãi chưa phân phối: phản ánh kết quả kinh doanh (lợi nhuận, lỗ) sau thuế thu nhập doanh nghiệp và tình hình phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của doanh nghiệp
– Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản : Do ngân sách cấp hoặc cấp trên cấp, do cổ đông góp vốn, do bổ sung từ kết quả kinh doanh.
– Quỹ quản lý cấp trên : Phản ánh quá trình hình thành, thanh quyết toán nguồn kinh phí quản lý của cấp trên, quỹ này do các đơn vị thành viên nộp lên, dùng để chi tiêu cho bộ máy quản lý của cấp trên.
– Nguồn kinh phí sự nghiệp: Phản ánh tình hình tiếp nhận và quyết toán số kinh phí sự nghiệp đã sử dụng ở các doanh nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí sự nghiệp để thực hiện những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội do cấp trên hoặc nhà nước giao, không vì mục đích lợi nhuận.
– Nguồn kinh phí đã hình thành tài sản cố định : Phản ánh nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp đã hình thành tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sự nghiệp.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh các loại tài sản, nguồn vốn thường xuyên vận động, thay đổi. Việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời số hiện có và sự vận động của từng loại tài sản, từng loại nguồn vốn nêu trên là nội dung cơ bản của công tác hạch toán kế toán.
Như vậy từng loại tài sản, nguồn vốn nêu trên và sự vận động của nó trong quá trình sản xuất kinh doanh là đối tượng cụ thể mà kế toán phải phản ánh và giám đốc. Tác dụng của việc phân loại tài sản :
– Nắm được kết cấu các loại tài sản trong doanh nghiệp.
– Thông qua kết cấu để đánh giá tình hình tài chính của đơn vị.
Tác dụng của việc phân loại nguồn vốn :
– Đánh giá tình hình tài chính của đơn vị thông qua cơ cấu nguồn vốn.
– Nắm được tình hình sử dụng nguồn vốn.
Trên đây là 7 nguyên tắc kế toán cơ bản mà ai cũng phải nên biết. Mời các bạn tham khảo.