10 câu hỏi giải đáp về thuế thu nhập cá nhân

Đánh giá

Bạn cần giải đáp về thuế thu nhập cá nhân? Nội dung bài viết của Kế Toán Việt Hưng hôm nay sẽ bao gồm 10 câu hỏi cùng câu trả lời từ Tổng Cục thuế. Tham khảo để tìm ra lời giải đáp chính xác nhất cho thắc mắc của bạn nhé!

10 câu hỏi giải đáp về thuế thu nhập cá nhân

Câu hỏi 1: Xin hỏi tờ khai thuế Q1/2021 phát hiện có sai sót nhưng không làm thay đổi số thuế TNCN phải nộp. Vậy sẽ không nộp tờ khai bổ sung của Q1/2021, mà chỉ phải nộp bản giải trình và các giấy tờ liên quan. Xin hỏi Tổng cục thuế là bản giải trình có trên phần mềm HTKK và nộp qua thuedientu được không? (Vũ Thị Thắm – Nam Từ Liêm, Hà Nội)

==> Trả lời:

Tờ khai thuế Q1/2021 phát hiện có sai sót nhưng không làm thay đổi số thuế TNCN khi khai bổ sung thì NNT chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung. Hiện nay Tổng cục thuế đang nâng cấp ứng dụng để tiếp nhận hồ sơ khai bổ sung. Sau ngày 25/3/2022 sẽ sử dụng ứng dụng để khai trên phụ lục 01/KHBS của tờ khai Q1/2021

giải đáp về thuế thu nhập cá nhân

Câu hỏi 2: Phụ lục 05-1/BK-TNCN (cột 17)Số tiền giảm trừ gia cảnh cho bản thân và 1 người phụ thuộc 184.800.000 vẫn báo đỏ dù đã nhập đủ các chỉ tiêu trên 05-3 thì cách sửa như thế nào? (Lê Đình Hiển – Lạng Sơn)

==> Trả lời:

Giải đáp về thuế thu nhập cá nhân cho câu hỏi này như sau: Đề nghị bạn kiểm tra lại trường hợp này, trên tờ khai không báo lỗi đỏ nhưng trên phụ lục 05-3/BK-TNCN có thể có ô cảnh báo bôi màu đỏ, bạn sửa và điền đầy đủ và đúng số liệu trên các ô màu đó phụ lục thì sẽ kết xuất XML được.

Câu hỏi 3: Tôi đang công tác tại chi nhánh của 1 ngân hàng TMCP, trong năm 2021 tôi chỉ phát sinh thu nhập tiền lương tiền công tại chi nhánh. Tuy nhiên, kế toán chi nhánh mới báo với tôi là trong năm, tôi có được tặng 1 huy hiệu bằng vàng từ Trụ sơ chính ngân hàng, do huy hiệu đó ko tính thuế nên khi Trụ sở chính ngân hàng xuất chứng từ khấu trừ thuế thì khấu trừ ko đủ 10%. Kế toán có giải thích là trong trường hợp này tôi phải tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Nhưng tôi thấy TSC và chi nhánh bản chất vẫn là cùng 1 ngân hàng TMCP, nên tôi muốn hỏi rằng:

1. Chi nhánh có được quyết toán thuế luôn phần thu nhập và thuế mà trụ sở chính đã tạm trích hay không.

2. Trong trường hợp nếu tôi đã lỡ UQTT, số thuế phải nộp thêm tôi đã nộp đủ (tính cả phần thu nhập phát sinh thêm từ TSC), nếu thuế kiểm tra thấy tôi phải tự đi quyết toán, thì khi đi nộp tờ khai lại tôi có bị phạt gì không (Lê Minh Thư – thành phố HCM)

==> Trả lời:

1. Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên mà không đáp ứng điều kiện được ủy quyền quyết toán theo quy định thì phải trực tiếp khai quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

Đối với trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Theo đó, nếu phần thu nhập chịu thuế nhận được từ trụ sở chính của của anh/chị bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% mà anh/chị không có yêu cầu thì anh/chị có thể ủy quyền quyết toán cho chi nhánh và không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập từ trụ sở chính được khấu trừ theo tỷ lệ 10%. Trường hợp thu nhập chịu thuế nhận được từ trụ sở chính của anh/chị bình quân tháng trong năm trên 10 triệu đồng, anh/chịu thuộc diện phải trực tiếp quyết toán thuế TNCN.

Trường hợp trụ sở chính chưa thực hiện khấu trừ thuế 10% thì anh chị không thuộc diện được ủy quyền quyết toán thuế cho chi nhánh.

2. Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty… đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà… (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự)… của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Câu hỏi 4: Cho em hỏi, NLĐ nhân tiền hỗ trợ covid từ DN theo NQ 68 (DN được giảm trừ 0,5% tiền đóng quỹ TNLĐ… để hỗ trợ cho NLĐ) thì có phải tính thuế tncn không ạ? Trường hợp khác là công ty tự có chính sách hỗ trợ covid cho NLĐ thì thu nhập này có phải tính thuế tncn không ạ? (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Đống Đa, Hà Nội)

==> Trả lời:

Theo điều 1 và Điều 2 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012 của Quốc hội) thì khoản tiền mà người sử dụng lao dộng hỗ trợ cho người lao động để phòng chống dịch Covid-19 (lấy từ việc giảm đóng vào Quỹ BH TNLĐ, bệnh nghề nghiệp) là khoản trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, giải đáp về thuế thu nhập cá nhân về trường hợp người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống Covid-19 theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (thực hiện Nghị Quyết 68) quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thì khoản tiền hỗ trợ này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Câu hỏi 5: Quy định mới có nhắc đến cụm từ NLĐ làm việc tại thời điểm tổ chức trả thu nhập thực hiện việc quyết toán,vậy NLĐ nghỉ từ Tháng 1, công ty làm quyết toán trong tháng 3 thì NLĐ này có được ủy quyền không ạ? (Gs bỏ qua các được khác như HĐLĐ, thu nhập vãng lai…) (Trần Thanh Thảo – Duy Tân)

==> Trả lời:

Theo quy định tại Tiết d.2, Điểm d, Khoản 6, Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch. Theo đó, cá nhân không làm việc tại tổ chức vào thời điểm QTT, do đó, cá nhân không đáp ứng điều kiện được ủy quyền QTT và phải trực tiếp quyết toán thuế.

Câu hỏi 6: Kính gửi Quý Cục thuế, Theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 80/2021/TT-BTC, Công ty chúng tôi đã nộp tờ khai thuế TNCN tháng 05/KK-TNCN kèm phụ lục phân bổ thuế 05/PBT tới Cục thuế tỉnh Bắc Ninh – Cục thuế quản lý của Trụ sở chính. Công ty chúng tôi có 2 chi nhánh do Cục thuế TP HCM và Cục thuế HN quản lý, vậy tiền thuế TNCN sẽ được phân bổ chuyển về từng cơ quan thuế hay Công ty chỉ cần chuyển tiền tới Cục thuế của Trụ sở chính và Cục thuế của Trụ sở chính sẽ thực hiện việc chuyển tiền tới Cục thuế của chi nhánh theo số liệu trên phụ lục phân bổ 05/PBT? Chúng tôi xin chân thành cám ơn! (CÔNG TY SAMSUNG SDS VIỆT NAM – Bắc Ninh)

==> Trả lời:

10 câu hỏi giải đáp về thuế thu nhập cá nhân

Doanh nghiệp chi trả tập trung tại trụ sở chính (tỉnh Bắc Ninh) có chi nhánh tại tỉnh khác với nơi đóng trụ sở chính (Hồ Chí Minh, Hà Nội) thì DN khấu trừ tập trung tại trụ sở chính và kê khai thuế, lập bảng phân bổ cho từng tỉnh mẫu số 05-1/PBT-TNCN và nộp hồ sơ khai thuế TNCN cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp (Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh), không phải nộp hồ sơ khai thuế TNCN cho cơ quan thuế nơi có chi nhánh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải lập Giấy nộp tiền theo từng tỉnh để nộp tiền thuế TNCN cho từng tỉnh theo thông tin đã kê khai trên bảng phân bổ theo quy định tại Điều 12, Điều 19 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

Câu hỏi 7: Nhập thiếu thông tin khấu trừ BH xã hội, BH thất nghiệp nên số tiền thuế quyết toán k đúng và lỡ đính kèm tờ khai. Bây giờ em muốn đính kèm lại thì hệ thống k cho. Xin hỏi em phải xử lý thế nào ạ. (Bùi Thị Tường – Quận Bình Thạnh)

==> Trả lời:

Hiện nay, Tổng cục Thuế đang thực hiện nâng cấp ứng dụng eTax để đáp ứng nhận tờ khai bổ sung. Trường hợp phát hiện tờ khai quyết toán (chính thức) đã nộp thành công có sai sót thì dự kiến sau ngày 25/3/2022 Doanh nghiệp sử dụng ứng dụng để nộp tờ khai bổ sung.

Câu hỏi 8: Công ty tôi mới đi vào hoạt động T11/2021, NLĐ hưởng lương 1 tháng tại Công ty, các tháng trước hưởng lương nơi khác. Vậy xin hỏi NLĐ có được uỷ quyền quyết toán không và thời gian giảm trừ gia cảnh là mấy tháng? (Công ty cổ phần Sao Việt Phú Thọ)

==> Trả lời:

Theo quy định tại Tiết d.2, Điểm d, Khoản 6, Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP sẽ giúp giải đáp về thuế thu nhập cá nhân như sau cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Theo đó, đối với cá nhân có hai nguồn thu nhập trở lên trong năm, trừ trường hợp cá nhân có thu nhập vãng lai ở nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% thì có thể ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho tổ chức, các trường hợp khác mà cá nhân có hai nguồn thu nhập trở lên phải trực tiếp khai quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế.

Căn cứ Tiết c.1, Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi vả trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Theo đó, cá nhân được tính giảm trừ gia cảnh đủ 12 tháng khi thực hiện QTT theo quy định.

Câu hỏi 9: Em xin được hỏi 2 câu hỏi ạ:

1. Đối với tờ khai quyết toán thuế TNCN ở chỉ tiêu số 32 của tờ khai không chỉnh được, vậy các trường hợp điều chuyển trong cùng hệ thống thì sẽ quyết toán như nào ạ?

2. Tờ khai quyết toán thuế TNCN đã được ghi thành công và kết xuất excel dược nhưng không kết xuất XML để nộp được, vậy doanh nghiệp sẽ nộp báo cáo theo cách thức nào ạ? Em xin cảm ơn ạ!(Công ty TNHH Việt Nam)

==> Trả lời:

1. Ứng dụng xây dựng trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các phụ lục lên tờ khai hoặc đối chiếu các phụ lục có dữ liệu liên quan với nhau, vì vậy nếu có số liệu ở phụ lục thì NNT phải khai phụ lục trước. Đối với tờ khai quyết toán thuế TNCN ở chỉ tiêu số 32 của tờ khai không chỉnh được thì Anh/Chị khai đúng và đủ trên các phụ lục 05-1/BK-TNCN, 05-2/BK-TNCN, 05-3/BK-TNCN thì dữ liệu sẽ được tổng hợp lên chỉ tiêu số 32 trên tờ khai 03/QTT-TNCN

2. Trường hợp này Tờ khai quyết toán thuế TNCN đã được ghi thành công và kết xuất excel dược nhưng không kết xuất XML để nộp được thì đề nghị Anh/Chị kiểm tra sửa hết dữ liệu được cảnh báo đỏ trên các phụ lục 05-1/BK-TNCN, 05-2/BK-TNCN, 05-3/BK-TNCN thì sẽ kết xuất được XML

Câu hỏi 10: Năm 2020, cá nhân đã tự quyết toán thuế TNCN. Sau quyết toán thuế 2020. cá nhân phát sinh số thuế nộp thừa bù trừ vào kỳ sau. Năm 2021, khi cá nhân tự quyết toán thuế TNCN, số thuế nộp thừa của năm 2020 được bù trừ vào năm 2021 sẽ được điền trên chỉ tiêu nào của Tờ khai 02/QTT-TNCN (Nguyễn Thị Liễu – Hà Nội)

==> Trả lời:

Theo hướng dẫn tại Điều 25 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính thì người nộp thuế có khoản nộp thừa theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế thì sẽ được xử lý bù trừ với khoản nợ, khoản thu phát sinh của người nộp thuế có cùng 1 nội dung kinh tế (tiểu mục).

Theo đó, trường hợp bạn thực hiện quyết toán thuế TNCN kỳ tính thuế 2020 có phát sinh số thuế nộp thừa và lựa chọn bù trừ cho các phát sinh của kỳ sau thì khi thực hiện quyết toán thuế TNCN kỳ tính thuế 2021 có phát sinh số thuế phải nộp thêm thì hệ thống cơ quan thuế sẽ tự động bù trừ với số thuế nộp thừa cùng tiểu mục (nếu có), bạn không cần điền phải thông tin số thuế nộp thừa trên tờ khai quyết toán thuế TNCN.

Thời điểm mà kế toán viên đang quay cuồng cùng báo cáo tài chính và thuế TNDN, thuế TNCN, thì các giải đáp về thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc hoàn thiên quyết toán thuế đó. Truy cập thêm fanpage, youtube để nhận các thông tin hữu ích trong giai đoạn quan trọng này nhé!

Nguồn: Giải đáp về thuế thu nhập cá nhân từ Tổng Cục thuế

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận