Chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS | Hiện nay, quy chuẩn kế toán quốc tế (IFRS) đã trở thành ngôn ngữ chung được sử dụng trong lĩnh vực tài chính trên toàn cầu. IFRS đóng vai trò quan trọng trong việc báo cáo tình hình tài chính của các tổ chức, góp phần tăng tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin tài chính, cũng như mở ra cơ hội đầu tư quốc tế.
Vậy bao lâu áp dụng chuyển đổi BCTC truyền thống sang IFRS, hãy cùng chúng tôi giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Bao lâu áp dụng chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS?
VN đã và đang thực hiện các bước tích cực để tiến gần hơn đến việc áp dụng Quy chuẩn kế toán quốc tế (IFRS) trên quy mô rộng rãi. Vào ngày 16/3/2020, BTC đã thông qua Quyết định số 345/QĐ-BTC để phê duyệt Đề án triển khai IFRS tại Việt Nam. Kế hoạch triển khai này gồm 2 giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 1 (áp dụng tự nguyện) từ năm 2022 đến năm 2025; Giai đoạn 2 (áp dụng bắt buộc) bắt đầu sau năm 2025.
Cụ thể như sau:
GIAI ĐOẠN 1: Giai đoạn áp dụng tự nguyện (từ năm 2022 đến năm 2025)
Các doanh nghiệp (DN) được áp dụng Quy chuẩn kế toán quốc tế (IFRS) bao gồm:
– Công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các tổ chức tài chính quốc tế.
– Công ty mẹ là công ty niêm yết.
– Công ty đại chúng quy mô lớn, nghĩa là công ty mẹ chưa niêm yết và các công ty mẹ khác có nhu cầu và đủ khả năng tự nguyện áp dụng IFRS để lập Báo cáo tài chính hợp nhất.
– Các DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài, nếu chúng có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS để lập Báo cáo tài chính riêng lẻ.
GIAI ĐOẠN 2: Đối với giai đoạn áp dụng bắt buộc (sau năm 2025)
BTC sẽ tiến hành đánh giá tình hình thực hiện IFRS trong giai đoạn 1, xem xét nhu cầu và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp, cũng như tình hình thực tế tại thời điểm đó.
Dựa trên các thông tin này, BTC sẽ đưa ra quy định về phương án và thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất hoặc BCTC riêng cho từng nhóm doanh nghiệp.
Hiện tại, việc quy định cụ thể về đối tượng doanh nghiệp phải tuân thủ áp dụng bắt buộc trong BCTC riêng chưa được thể hiện rõ trong Quyết định số 345. Thay vào đó, việc quy định này sẽ dựa trên kết quả đánh giá thực hiện giai đoạn 1 và sẽ được cụ thể hóa trong các quy định sau này.
2. Việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS có ưu và nhược điểm gì?
Việc chuyển đổi BCTC truyền thống sang IFRS sẽ mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích, cơ hội và khó khăn như sau:
LỢI ÍCH – CƠ HỘI
Chuyển đổi Báo cáo tài chính (BCTC) từ chuẩn kế toán Việt Nam (VAS) sang quy chuẩn kế toán quốc tế (IFRS) mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho các doanh nghiệp, bao gồm:
– Cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế: Điều này cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành Initial Public Offering (IPO) trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế như Vinfast, Bamboo Airways, Vietjet… Để niêm yết cổ phiếu trên các sàn này, doanh nghiệp cần phải thực hiện BCTC theo các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận rộng rãi như IFRS. Khi niêm yết thành công, các doanh nghiệp có thể thu hút vốn đầu tư quốc tế đáng kể.
– Tính minh bạch và trung thực: Chuyển đổi sang IFRS giúp nâng cao tính minh bạch và trung thực của BCTC, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư và các bên cho vay. Điều này giúp giảm rủi ro và chi phí vốn cho doanh nghiệp.
– Cải tiến quy trình thu thập thông tin: Để lập BCTC theo IFRS, doanh nghiệp cần cải tiến và hoàn thiện quy trình thu thập thông tin từ các phòng ban khác như phòng bán hàng, phòng pháp chế, kho bãi… Điều này đồng nghĩa với việc nâng cao khả năng quản trị nội bộ của doanh nghiệp.
– Tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực: Chuyển đổi BCTC và áp dụng hoàn toàn theo IFRS sẽ giúp tiết kiệm chi phí về thời gian và nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp này.
KHÓ KHĂN
Tuy nhiên, việc thực hiện IFRS là một quá trình đầy khó khăn và thách thức, và dưới đây là một số vấn đề cụ thể:
– Thiếu nguồn nhân lực: Việc thực hiện IFRS đối mặt với khó khăn về ngôn ngữ, vì tiếng Anh và các thuật ngữ chuyên ngành kế toán có tính học thuật và khá phức tạp. Điều này gây khó khăn cho việc dạy và học. Hơn nữa, để truyền đạt nội dung chuẩn mực kế toán cần trải qua trải nghiệm thực tế. Hiện tại, chỉ có một vài trường đại học lớn ở Việt Nam đã thực hiện các khoá đào tạo về kế toán quốc tế dựa trên IFRS.
– Thiếu các tổ chức định chế uy tín trong định giá tài sản: Điều này làm cho việc áp dụng các khái niệm về giá trị hợp lý trở nên khó khăn trong việc định giá dựa trên giá trị thị trường.
– Sự khác biệt về quy định pháp lý và quan điểm về tài sản đặc thù: Ví dụ, quan điểm về đất đai khác nhau giữa các quốc gia. Hiện nay, Việt Nam chỉ công nhận quyền sử dụng đất, chưa công nhận đất đai như một loại tài sản, do đó việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế gặp khó khăn do sự khác biệt này.
3. Cách thức áp dụng IFRS tại Việt Nam như thế nào?
Cách thức áp dụng IFRS tại Việt Nam có các điểm chính như sau:
– Tuân theo nguyên tắc nhất quán trong cả năm tài chính: Dù áp dụng IFRS theo hình thức tự nguyện hay bắt buộc, các doanh nghiệp cần duy trì sự nhất quán trong việc áp dụng IFRS suốt cả năm tài chính.
– Áp dụng tất cả IFRS có hiệu lực theo quy định của IASB: Các doanh nghiệp cần áp dụng tất cả các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) mà Ủy ban Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IASB) đã ban hành tại cùng một thời điểm.
– Trình bày sự khác biệt giữa thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán (nếu có): BCTC cần chi tiết và minh bạch các sự khác biệt giữa thu nhập chịu thuế & lợi nhuận kế toán (nếu có) trong trường hợp áp dụng IFRS.
– Hướng dẫn và tiêu chí đánh giá thông tin tài chính: BTC sẽ ban hành hướng dẫn & tiêu chí giúp đánh giá các thông tin tài chính của doanh nghiệp. Điều này nhằm đảm bảo tính so sánh giữa các doanh nghiệp áp dụng IFRS hoặc không áp dụng IFRS.
– Công bố danh sách doanh nghiệp áp dụng IFRS: Danh sách các doanh nghiệp tự nguyện hoặc bắt buộc áp dụng lập Báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS sẽ được BTC công bố trên Cổng thông tin điện tử.
Nếu bạn có bất kỳ vướng mắc nào về nghiệp vụ kế toán cần tháo gỡ MỜI BẠN THAM GIA group FB CỘNG ĐỒNG LÀM KẾ TOÁN để giải đáp NGAY LẬP TỨC bởi đội ngũ kế toán trưởng tại: https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan
Trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn biết được bao lâu áp dụng chuyển đổi BCTC truyền thống sang IFRS và những lợi ích cũng như khó khăn gặp phải. Hy vọng rằng, qua bài viết này của chúng tôi, những người làm Kế toán – Tài chính sẽ có cái nhìn chi tiết hơn về chuẩn mực IFRS.