Công tác phân bổ giá trị của tài sản cố định (nguyên giá tài sản cố định) vào chi phí sản xuất kinh doanh trong suốt thời gian sử dụng bình thường của tài sản cố định đó – gọi là khấu hao tài sản cố định (TSCĐ). Kế toán sử dụng các phương pháp khác nhau để tiến hành trích khấu hao TSCĐ cho các doanh nghiệp khác nhau. Thường thì phương pháp khấu hao theo đường thẳng là phương pháp được sử dụng phổ biến.
1. Công thức tính khấu hao tài sản cố định (KH TCSĐ)
Mức trích khấu hao năm = Nguyên giá TSCĐ/ số năm trích khấu hao
Mức trích khấu hao tháng = Mức trích khấu hao năm/12
Mức khấu hao kỳ cuối cùng = Nguyên giá – khấu hao luỹ kế
Trong đó:
Nguyên giá tài sản cố định mua mới = giá mua + chi phí vận chuyển, lắp đặt, chạy thử,…
Số năm trích khấu hao của tài sản cố định được quy định tại Phụ lục 1 của thông tư số 45/2013/TT-BTC. Bạn đọc tải về và xem khung thời gian trích khấu hao các loại TSCĐ mới nhất tại đây.
Khấu hao luỹ kế là tổng giá trị tài sản cố định đã tính khấu hao từ khi bắt đầu tính KH.
2. Ví dụ về tính và trích khấu hao TSCĐ
Doanh nghiệp X mua mới 100% 1 tài sản cố định, giá mua chưa có thuế GTGT trên hoá đơn là 120 triệu đồng, các chi phí liên quan để đưa tài sản cố định này vào trạng thái sẵn sàng sử dụng vào ngày 1/1/2013 là 3 triệu đồng tiền vận chuyển, 2 triệu đồng tiền lắp đặt chạy thử. Thời gian sử dụng dự kiến xác định theo quy định hiện hành là 10 năm.
Như vậy:
Nguyên giá TSCĐ = 115 triệu + 3 triệu + 2 triệu = 120 triệu đồng
Mức trích khấu hao năm = 120 triệu : 10 năm = 12 triệu đồng/năm
Mức khấu hao tháng = 12 triệu : 12 tháng = 1 triệu đồng/tháng
Lưu ý:
Trường hợp nguyên giá hoặc thời gian trích khấu hao TSCĐ thay đổi, DN phải xác định lại mức trích khấu hao định kỳ hàng tháng dựa trên giá trị còn lại của tài sản cố định đó tại thời điểm phát sinh sự thay đổi.
Trường hợp nguyên giá TSCĐ thay đổi:
Kế toán xác định lại nguyên giá do có sự thay đổi (ví dụ nâng cấp tài sản cố định)
Giá trị còn lại = nguyên giá mới – khấu hao luỹ kế
3. Ví dụ 2
Cũng với TSCĐ đã trích khấu hao ở trên từ ngày 1/1/2013, sau 5 năm DN tiến hành nâng cấp lại TSCĐ đó với tổng chi phí bỏ ra là 30 triệu, thời gian sử dụng được tiếp tục đánh giá là 6 năm, nâng cấp hoàn thành đưa tài sản vào sử dụng ngày 1/1/2018.
Như vậy:
Nguyên giá mới của TSCĐ = 120 triệu +30 triệu = 150 triệu đồng
Giá trị khấu hao luỹ kế = 12 triệu/năm * 5 năm = 60 triệu đồng
Giá trị còn lại = 150 triệu – 60 triệu = 90 triệu đồng
Mức khấu hao năm = 90 triệu : 6 năm = 15 triệu đồng/năm
Mức khấu hao tháng = 15 triệu :12 tháng = 1.250.000 đồng/tháng
Lưu ý: chi phí bỏ ra để sửa chữa TSCĐ không được ghi tăng nguyên giá TSCĐ mà hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.
Trường hợp thời gian trích khấu hao TSCĐ thay đổi:
Công thức xác định thời gian trích khấu hao TSCĐ còn lại:
T = T2 * (1 – t1/T1)
Mức trích KH năm =Giá trị còn lại /T
Mức trích KH tháng = T/12
Trong đó:
T: thời gian tính khấu hao còn lại của TSCĐ
T1: thời gian tính khấu hao của TSCĐ tại thời điểm ban đầu
T2: thời gian tính khấu hao của TSCĐ sau khi có thay đổi
t1: thời gian đã trích khấu hao TSCĐ thực tế
4. Ví dụ về sự thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ (ví dụ 3)
Doanh nghiệp X sử dụng 1 TSCĐ, nguyên giá là 700 triệu đồng từ ngày 1/1/2011. Thời gian trích khấu hao ban đầu là 10 năm (theo thông tư 203/2009/TT-BTC). Đến hết ngày 31/12/2012 tài sản cố định này sử dụng được 2 năm.
Giá trị khấu hao (KH) luỹ kế = (700 triệu : 10 năm) * 2 năm = 140 triệu đồng
Giá trị còn lại = 700 triệu – 140 triệu = 560 triệu đồng
Năm 2013, thông tư mới ra đời (thông tư 45/2013/TT-BTC) thay thế cho thông tư cũ (thông tư 203/2009/TT-BTC) thì thời gian trích khấu hao được xác định lại là 15 năm.
Như vậy:
Thời gian KH còn lại của TSCĐ=15 năm*(1- 2 năm/10 năm)=12 năm
Mức KH năm= 560 triệu /12 năm = 46.666.667 đồng/năm
Mức KH tháng = 46.666.667/12 tháng = 3.888.889 đồng/tháng
Vậy, từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 31/12/2024, DN tiến hành trích KH đối với tài sản cố định này vào chi phí sản xuất kinh doanh mỗi tháng là 3.888.889 đồng.