Hạch toán mua và ghi tăng tài sản cố định theo TT200 và TT133 mới nhất

Hạch toán mua và ghi tăng TSCĐ là một bút toán vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp. Để hạch toán chính xác yêu cầu kế toán viên cần nắm rõ mọi nghiệp vụ liên quan đến TSCĐ. Cùng kế toán Việt Hưng tìm hiểu về TSCĐ qua bài viết dưới đây nhé!

1. Khái niệm và phân loại tài sản cố định

Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…

Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…

2. Tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định

Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:

  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
  • Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
  • Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.

3. Hạch toán ghi tăng tài sản cố định

Hạch toán ghi tăng tài sản cố định
Hạch toán ghi tăng tài sản cố định

a) Trường hợp nhận vốn góp của chủ sở hữu hoặc nhận vốn cấp bằng TSCĐ hữu hình, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (theo giá thỏa thuận)

     Có TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.

b) Trường hợp TSCĐ được mua sắm:

– Trường hợp mua sắm TSCĐ hữu hình, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, căn cứ các chứng từ có liên quan đến việc mua TSCĐ, kế toán xác định nguyên giá của TSCĐ, lập hồ sơ kế toán, lập Biên bản giao nhận TSCĐ, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332)

     Có các TK 111, 112,…

     Có TK 331 – Phải trả cho người bán

     Có TK 341 – Vay và nợ thuê tài chính (3411).

– Trường hợp mua sắm TSCĐ hữu hình được nhận kèm thiết bị phụ tùng thay thế, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (chi tiết TSCĐ được mua, chi tiết thiết bị phụ tùng, thay thế đủ tiêu chuẩn của TSCĐ)

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (1534) (thiết bị, phụ tùng thay thế)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332)

     Có các TK 111, 112,…

     Có TK 331 – Phải trả cho người bán

     Có TK 341 – Vay và nợ thuê tài chính (3411).

– Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì nguyên giá TSCĐ bao gồm cả thuế GTGT.

– Nếu TSCĐ được mua sắm bằng nguồn vốn đầu tư XDCB của doanh nghiệp dùng vào SXKD, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải ghi tăng nguồn vốn kinh doanh và giảm nguồn vốn XDCB, khi quyết toán được duyệt, ghi:

Nợ TK 441 – Nguồn vốn đầu tư XDCB

     Có TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.

c) Trường hợp mua TSCĐ hữu hình theo phương thức trả chậm, trả góp:

– Khi mua TSCĐ hữu hình theo phương thức trả chậm, trả góp và đưa về sử dụng ngay cho SXKD, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá – ghi theo giá mua trả tiền ngay)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332) (nếu có)

Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (Phần lãi trả chậm là số chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán trừ giá mua trả tiền ngay và thuế GTGT (nếu có)

     Có các TK 111, 112, 331.

– Định kỳ, thanh toán tiền cho người bán, ghi:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán

     Có các TK 111, 112 (số phải trả định kỳ bao gồm cả giá gốc và lãi trả chậm, trả góp phải trả định kỳ).

– Định kỳ, tính vào chi phí theo số lãi trả chậm, trả góp phải trả của từng kỳ, ghi:

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính

     Có TK 242 – Chi phí trả trước.

d) Trường hợp doanh nghiệp được tài trợ, biếu, tặng TSCĐ hữu hình đưa vào sử dụng ngay cho SXKD, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

     Có TK 711 – Thu nhập khác.

Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến TSCĐ hữu hình được tài trợ, biếu, tặng tính vào nguyên giá, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

     Có TK 111, 112, 331,…

đ) Trường hợp TSCĐ hữu hình tự sản xuất:

Khi sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp tự sản xuất để chuyển thành TSCĐ hữu hình, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

     Có TK 155 – Thành phẩm (nếu xuất kho ra sử dụng)

     Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang (đưa vào sử dụng ngay).

e) Trường hợp TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi:

– TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với TSCĐ hữu hình tương tự: Khi nhận TSCĐ hữu hình tương tự do trao đổi và đưa vào sử dụng ngay cho SXKD, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ hữu hình nhận về ghi theo giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (số đã khấu hao của TSCĐ đưa đi trao đổi)

     Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ đưa đi trao đổi).

– TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với TSCĐ hữu hình không tương tự:

+ Khi giao TSCĐ hữu hình cho bên trao đổi, ghi:

Nợ TK 811 – Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị đã khấu hao)

     Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá).

+ Đồng thời ghi tăng thu nhập do trao đổi TSCĐ:

Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán)

     Có TK 711 – Thu nhập khác (giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đổi)

      Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (TK 33311) (nếu có).

+Khi nhận được TSCĐ hữu hình do trao đổi, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (giá trị hợp lý của TSCĐ nhận về)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332) (Nếu có)

     Có TK 131 – Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán).

+ Trường hợp phải thu thêm tiền do giá trị của TSCĐ đưa đi trao đổi lớn hơn giá trị của TSCĐ nhận được do trao đổi, khi nhận được tiền của bên có TSCĐ trao đổi, ghi:

Nợ TK 111, 112 (số tiền đã thu thêm)

     Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.

+ Trường hợp phải trả thêm tiền do giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đổi nhỏ hơn giá trị hợp lý của TSCĐ nhận được do trao đổi, khi trả tiền cho bên có TSCĐ trao đổi, ghi:

Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng

     Có TK 111, 112,…

g) Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, đưa vào sử dụng ngay cho hoạt động SXKD, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá – chi tiết nhà cửa, vật kiến trúc)

Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình (nguyên giá – chi tiết quyền sử dụng đất)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

     Có các TK 111, 112, 331,…

Trên đây là bài chia sẻ của kế toán Việt Hưng về phương pháp hạch toán mua và ghi tăng TSCĐ theo TT200 và TT133 mới nhất hiện nay. Nếu có câu hỏi hay thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng!

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...