Cách hạch toán công cụ dụng cụ theo TT 200

Đánh giá

Những tài sản nào được gọi là công cụ dụng cụ? Cách hạch toán công cụ dụng cụ như thế nào? Bài viết dưới đây, kế toán Việt Hưng sẽ chia sẻ với bạn đọc phương pháp hạch toán công cụ dụng cụ theo TT 200. 

Hạch toán công cụ dụng cụ

Công cụ, dụng cụ là tư liệu lao động của công ty. Và thỏa mãn các tính chất sau:

  • Có hình thái vật và thuộc sở hữu của DN (thông qua hoá đơn đầu vào, hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng…)
  • Tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
  • Có giá trị nhỏ hơn 30 triệu đồng, và được phân bổ tối đa không quá 2 năm (Theo TT123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012).

=> Như vậy về định nghĩa công cụ dụng cụ thì cũng tương tự như tài sản cố định nhưng chỉ khác duy nhất so với TSCĐ là có giá trị nhỏ hơn 30 triệu. Hoặc những tài sản có thời hạn sử dụng dưới 1 năm.

Kế toán viên có trách nhiệm:

  • Theo dõi, ghi chép tình hình nhập – xuất – tồn kho công cụ, dụng cụ về số lượng, và giá trị
  • Tính toán và phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ cho từng bộ phận có liên quan về tài sản đã sử dụng.
  • Kiểm kê CCDC theo định kỳ để phát hiện rà tài sản thừa hoặc thiếu từ đó có biện pháp xử lý. Tức là theo dõi làm sao để không phải thất thoát CCDC

Hạch toán công cụ dụng cụ

Tài khoản sử dụng: TK 153.

Kết cấu tài khoản sử dụng: 

Bên Nợ:

  • Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ nhập kho do mua ngoài, tự chế, thuê ngoài gia công chế biến, nhận góp vốn
  • Trị giá công cụ, dụng cụ cho thuê nhập lại kho
  • Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ thừa phát hiện khi kiểm kê
  • Kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ (Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Bên Có:

  • Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ xuất kho sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê hoặc góp vốn
  • Chiết khấu thương mại khi mua công cụ, dụng cụ
  • Trị giá công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán hoặc được người bán giảm giá
  • Trị giá công cụ, dụng cụ thiếu phát hiện trong kiểm kê
  • Kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ (Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Số dư bên Nợ: TK 153 – Công cụ, dụng cụ, có 3 tài khoản cấp 2

  • Tài khoản 1531 – Công cụ dụng cụ: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động các loại công cụ, dụng cụ.
  • Tài khoản 1532 – Bao bì luân chuyển: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động các loại bao bì luân chuyển sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Tài khoản 1533 – Đồ dùng cho thuê: Phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động các loại công cụ, dụng cụ doanh nghiệp chuyên dùng để cho thuê.

Hạch toán công cụ dụng cụ một số nghiệp vụ phát sinh

Quyết toán thuế về lương

Mua công cụ dụng cụ cho hoạt động sản xuất

Mua công cụ, dụng cụ nhập kho dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ. Thì giá trị của công cụ, dụng cụ được phản ánh theo giá mua chưa có thuế GTGT. Căn cứ vào hoá đơn, phiếu nhập kho và các chứng từ liên quan, ghi:

  • Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (Giá chưa có thuế GTGT)
  • Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Số thuế GTGT đầu vào) (1331)
  • Có các TK 111, 112, 141, 331,. . . (Tổng giá thanh toán).

Trường hợp công cụ, dụng cụ mua về đã nhập kho được hưởng chiết khấu thương mại, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112, 331,. .
  • Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ (Số chiết khấu thương mại được hưởng)
  • Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).

Công cụ, dụng cụ mua về được người bán giảm giá do không đúng quy cách, phẩm chất theo hợp đồng, khoản được giảm giá, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112; hoặc
  • Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán
  • Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ
  • Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có).

Trả lại công cụ, dụng cụ đã mua cho người bán, ghi:

  • Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán
  • Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ
  • Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có) (Thuế GTGT đầu vào của công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán).

Phản ánh chiết khấu thanh toán được hưởng (nếu có), ghi

  • Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán
  • Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (Số chiết khấu thanh toán được hưởng).

Xuất công cụ, dụng cụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh:

+ Nếu giá trị công cụ, dụng cụ không lớn, tính vào sản xuất, kinh doanh một lần, ghi:

  • Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công
  • Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6273)
  • Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (6412, 6413)
  • Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (6423)
  • Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ (1531, 1532).

+ Nếu giá trị công cụ, dụng cụ lớn, sử dụng cho nhiều kỳ sản xuất, kinh doanh hoặc xuất dùng bao bì luân chuyển, phải phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh, khi xuất kho công cụ, dụng cụ, ghi:

  • Nợ TK 142 – Chi phí trả trước ngắn hạn (Công cụ, dụng cụ có giá trị lớn và có thời gian sử dụng dưới một năm)
  • Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Công cụ, dụng cụ có thời gian sử dụng trên một năm và có giá trị lớn)
  • Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ (1531, 1532).

+ Khi phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ xuất dùng cho từng kỳ kế toán, ghi:

  • Nợ các TK 623, 627, 641, 642,. . .
  • Có TK 142 – Chi phí trả trước ngắn hạn
  • Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn.

Đối với công cụ, dụng cụ cho thuê:

+ Khi xuất kho công cụ, dụng cụ cho thuê, ghi:

  • Nợ TK 142 – Chi phí trả trước ngắn hạn
  • Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn
  • Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ (1533).

+ Phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ cho thuê vào chi phí, ghi:

  • Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung
  • Có TK 142 – Chi phí trả trước ngắn hạn
  • Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn.

+ Đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ. Kế toán phản ánh doanh thu về cho thuê công cụ, dụng cụ, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112, 131,. . .
  • Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

+ Nhận lại công cụ, dụng cụ cho thuê, ghi:

  • Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (1533)
  • Có TK 142 – Chi phí trả trước ngắn hạn (Giá trị còn lại chưa tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh)
  • Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Giá trị còn lại chưa tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh).

Khi kiểm kê phát hiện công cụ, dụng cụ thừa, thiếu, mất, hư hỏng. Kế toán phải căn cứ vào nguyên nhân hoặc quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền để xử lý như sau:

+ Nếu thừa, thiếu do nhầm lẫn hoặc chưa ghi sổ phải tiến hành ghi bổ sung hoặc điều chỉnh lại số liệu trên sổ kế toán.

+ Trường hợp phát hiện thiếu khi kiểm kê chưa xác định được nguyên nhân và người phạm lỗi, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý)

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

  • Khi có quyết định xử lý: Nếu người làm mất, hỏng phải bồi thường, ghi;

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động

Nợ TK 138 – Phải thu khách (1388) (Phải thu tiền bồi thường của người phạm lỗi)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Phần thiếu hụt, mất, hư hỏng công cụ, dụng cụ còn lại phải tính vào giá vốn hàng bán)

Có TK 138 – Phải thu khác (1381).

+ Trường hợp phát hiện thừa chưa xác định được nguyên nhân phải chờ xử lý, ghi:

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3381).

  • Khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, ghi:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3381)

Có các TK liên quan.

Mỗi doanh nghiệp đều không thể thiếu nghiệp vụ hạch toán công cụ dụng cụ. Do đó, các bạn kế toán viên mới bắt đầu công việc hãy cập nhật nhanh chóng phương pháp hạch toán công cụ dụng cụ. Áp dụng vào làm việc và bổ sung kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân. 

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận