Thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những loại thuế bắt buộc phải nộp cho cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Vậy công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp tính như nào? Áp dụng thuế suất bao nhiêu?
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu. Đối tượng của thuế TNDN là thu nhập của tổ chức kinh doanh (doanh nghiệp). Được xác định trên cơ sở doanh thu sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc hình thành doanh thu đó.
Đối tượng chịu thuế và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Đối tượng chịu thuế TNDN là thu nhập thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác của tổ chức sản xuất kinh doanh.
Người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thu theo pháp luật quy định. Ngoài ra, các trường hợp sau đây cũng là người chịu thuế TNDN:
- Nhà thầu phụ nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Việc kinh doanh được tiến hành trên cơ sở hợp đồng nhà thầu với tổ chức, cá nhân Việt Nam. Hoặc với tổ chức, cá nhân nước ngoài khác đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu phụ.
- Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và các cá nhân sản xuất kinh doanh có mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa. Hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ.
Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Điều 1 thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ tài chính ( Sửa đổi, bổ sung thông tư 78). Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành:
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN
Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm trước khi tính thuế TNDN để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Trong thời hạn 5 năm, kể từ khi trích lập, nếu quỹ phát triển khoa học và công nghệ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp thuế TNDN tính trên khoản thu nhập đã trích lập mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế TNDN đó.
- Nếu doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thì tính theo công thức:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN) x Thuế suất thuế TNDN
- Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được tính theo công thức:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – (Các khoản miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển)
- Thu nhập chịu thuế được tính theo công thức:
Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác
Trong đó:
Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ. Bao gồm cả khoản phụ thu, phụ trội mà cơ sở kinh doanh được hưởng. Không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Nếu DN kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: Là doanh thu không có thuế GTGT.
- Nếu DN kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp: Là doanh thu bao gồm cả thuế GTGT.
Chi phí được trừ là những khoản chi phí không nằm trong các khoản chi phí không được trừ theo quy định của pháp luật. Và đồng thời các khoản chi phí được trừ phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế suất thuế TNDN được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp là 20%. Trong đó, có một số trường hợp khác:
- Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam từ 32% đến 50%
- Đối với đơn vị sự nghiệp, tổ chức không phải là doanh nghiệp, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Thì kê khai thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ như sau:
+ Dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%. Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%
+ Kinh doanh hàng hóa: 1%
+ Hoạt động khác: 2%
Từ ngày 1/1/2016 trở đi, tất cả các doanh nghiệp đang áp dụng thuế suất 20% và 22% sẽ chuyển sang mức thuế là 20%.
Bài viết trên giải đáp thắc mắc phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho các bạn kế toán viên mới bắt đầu xử lý nghiệp vụ thuế. Các trường hợp đặc biệt được tính theo từng loại thuế suất khác nhau. Cũng như những thay đổi mới về mức thuế suất hiện hành. Kế toán viên cần cập nhật nhanh chóng kịp thời để áp dụng vào công việc. Chúc các bạn thành công.