Mẫu hóa đơn bán hàng – Hóa đơn là loại giấy tờ yêu cầu thanh toán được các bên cung cấp hàng hóa phát hành nhằm chi tiết hóa các danh mục về số lượng và đơn giá của các sản phẩm được cung cấp. Hôm nay Kế toán Việt Hưng sẽ giới thiệu tới bạn đọc các mẫu hóa đơn bán hàng lưu hành hiện nay nhé.
1. Hóa đơn là gì?
a. Khái niệm
Theo Khoản 1, Điều 3, Thông tư 39/2014/TT-BTC có định nghĩa như sau:
“Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.”
Bên mua hàng phải thanh toán để nhận được hàng hóa và hóa đơn kèm theo. Sau khi thanh toán, bên bán sẽ xác nhận hóa đơn bằng đóng dấu hoặc kèm chữ ký tay. Khi hóa đơn đã có dấu xác nhận, giấy tờ này có tác dụng như một giấy biên lai hoặc giấy biên nhận.
Hóa đơn được hiểu là bảng liệt kê các hàng hóa dịch vụ kèm theo giá được bên bán chuyển cho bên mua để làm bằng chứng.
b. Nội dung trên hóa đơn đã lập:
– Tên loại hóa đơn thể hiện trên mỗi tờ hóa đơn. Ví dụ: Hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), Hóa đơn bán hàng…
– Ký hiệu mẫu số hóa đơn: thông tin thể hiện ký hiệu tên loại hóa đơn, số liên, số thứ tự mẫu trong một loại hóa đơn (một loại hóa đơn có thể có nhiều mẫu).
Ký hiệu hóa đơn là dấu hiệu phân biệt hóa đơn bằng hệ thống chữ cái tiếng Việt và 02 chữ số cuối của năm.
– Tên liên hóa đơn. Mỗi số hóa đơn phải có từ 2 liên trở lên và tối đa không quá 9 liên, trong đó:
+ Liên 1: Lưu.
+ Liên 2: Giao cho người mua.
Các liên từ liên thứ 3 trở đi được đặt tên theo công dụng cụ thể mà người tạo hóa đơn quy định. Riêng hóa đơn do cơ quan thuế cấp lẻ phải có 3 liên, trong đó liên 3 là liên lưu tại cơ quan thuế.
– Số thứ tự của hóa đơn: số thứ tự theo dãy số tự nhiên trong ký hiệu hóa đơn, gồm 7 chữ số trong một ký hiệu hóa đơn.
– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;
– Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ.
– Người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hóa đơn.
– Trên hóa đơn đặt in, phải thể hiện tên, mã số thuế của tổ chức nhận in hóa đơn, bao gồm cả trường hợp tổ chức nhận in tự in hóa đơn đặt in.
c. Hình thức hóa đơn
Hóa đơn được thể hiện bằng các hình thức sau:
– Hóa đơn tự in là hóa đơn do các tổ chức kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
– Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành;
– Hóa đơn đặt in là hóa đơn do các tổ chức đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hoặc do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán cho các tổ chức, hộ, cá nhân.
2. Các mẫu hóa đơn bán hàng
Hóa đơn bán hàng dùng cho các đối tượng sau đây:
– Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài
– Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” .
Qua bài viết vừa rồi, hy vọng bạn đã nắm được các mẫu hóa đơn bán hàng in hiện nay để áp dụng vào công việc thực tế khi cần thiết. Hẹn gặp lại bạn đọc ở những bài viết sắp tới!