1. Khác biệt giữa chiết khấu thanh toán và chiết khấu thương mại
Chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán là 02 khái niệm khác nhau trong kế toán và quản lý tài chính. Dưới đây là sự khác biệt cơ bản giữa chúng:
CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI
– Đây là khoản giảm giá mà người bán hàng cung cấp cho khách hàng dựa trên số lượng mua hàng lớn hoặc các điều kiện khác như khuyến mãi, giảm giá đặc biệt.
– Chiết khấu thương mại thường được áp dụng trực tiếp trên hóa đơn và phản ánh vào giá bán của hàng hóa hoặc dịch vụ.
– Khi hạch toán, chiết khấu thương mại không được ghi nhận như một khoản thu hoặc chi phí riêng biệt mà được trừ đi từ doanh thu bán hàng.
CHIẾT KHẤU THANH TOÁN
– Chiết khấu thanh toán là khoản giảm giá mà người bán hàng cung cấp cho khách hàng như một động viên cho việc thanh toán nhanh chóng hoặc trước hạn.
– Khoản chiết khấu này thường được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị hóa đơn và chỉ được áp dụng nếu khách hàng thanh toán trước hoặc đúng thời hạn thanh toán được quy định.
– Trong kế toán, chiết khấu thanh toán được ghi nhận như là một khoản chi phí tài chính đối với người bán và một khoản doanh thu tài chính đối với người mua.
→ Cả 02 loại chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán đều có mục đích khuyến khích mua bán và thanh toán, nhưng chúng khác nhau về cách thức áp dụng và ghi nhận trong sổ sách kế toán. Để quản lý chúng một cách chính xác, người kế toán cần phải hiểu rõ về cách thức hạch toán và ảnh hưởng của chúng đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
SO SÁNH CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI & CHIẾT KHẤU THANH TOÁN
NỘI DUNG | CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI | CHIẾT KHẤU THANH TOÁN |
Mục đích | Thường nhằm mục đích khuyến khích mua hàng với số lượng lớn hoặc trong một khoảng thời gian nhất định, thúc đẩy doanh số bán hàng. | Thường nhằm khuyến khích người mua thanh toán sớm hoặc đúng hạn, giúp cải thiện dòng tiền cho người bán. |
Thời điểm áp dụng | Áp dụng ngay tại thời điểm bán hàng và thường được hiển thị trực tiếp trên hóa đơn. | Áp dụng khi người mua thực hiện thanh toán, có thể sau khi hóa đơn đã được phát hành. |
Cách hạch toán | Được trừ trực tiếp vào doanh thu bán hàng và không ghi nhận là chi phí hoặc doanh thu riêng biệt. | Được ghi nhận như là một khoản chi phí tài chính đối với người bán và một khoản thu nhập tài chính đối với người mua. |
Ảnh hưởng đến giá vốn và thuế GTGT | CK thương mại giảm trên giá bán và có thể ảnh hưởng đến cơ sở tính thuế GTGT do giảm trên giá niêm yết. | CK thanh toán không ảnh hưởng đến cơ sở tính thuế GTGT và không thay đổi giá vốn của sản phẩm hoặc dịch vụ. |
Quyết định kinh doanh | Có thể ảnh hưởng đến chiến lược giá và chính sách bán hàng của doanh nghiệp. | Có thể ảnh hưởng đến chính sách tài chính và quản lý dòng tiền của doanh nghiệp. |
2. Cách hạch toán giữa chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán
Việc phân biệt giữa chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán là quan trọng vì có các đặc điểm và cách hạch toán khác nhau trong kế toán, cũng như các tác động khác đến dòng tiền và quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.
2.1 Hạch toán của chiết khấu thương mại
BÊN MUA:
– Nếu trên Hóa đơn GTGT ghi giá bán là giá đã chiết khấu (hạch toán bình thường theo giá đã chiết khấu) thì hạch toán như sau:
Nợ TK: 156.
Nợ TK: 1331
Có TK 111, 112, 3311
– Nếu mua hàng nhiều lần đạt doanh số và được hưởng chiết khấu Thương mại, thì căn cứ vào Hóa đơn cuối cùng có ghi phần được giảm do chiết khấu ta điều chỉnh giảm cho giá trị hàng tồn kho (nếu hàng chưa bán) hoặc ghi giảm giá vốn (nếu hàng tồn kho đã bán). Cụ thể:
Trường hợp hàng tồn kho chưa bán (vẫn ở trong kho):
Nợ TK: 3311- Nếu đối trừ công nợ.
Nợ TK: 111,112- Nếu thu phần chiết khấu được hưởng bằng tiền.
Nợ TK: 131- Nếu chưa thu tiền
Có TK: 156- Phần được hưởng chiết khấu thương mại
Có TK: 1331- Thuế GTGT được khấu trừ (Tương ứng phần ck)
Trường hợp hàng tồn kho đã bán (Ghi giảm giá vốn):
Nợ TK: 3311, 111, 112, 131
Có TK: 632- Giảm giá vốn
Có TK: 1331- Giảm Thuế GTGT được khấu trừ
BÊN BÁN:
– Khi khách mua hàng đạt doanh số thỏa thuận, bên bán căn cứ để làm chiết khấu thương mại cho khách hàng:
Nợ TK 5211- Chiết khấu Thương mại
Nợ 3331
Có 111, 112, 131, 3388..
– Cuối kỳ, kết chuyển khoản chiết khấu thương mại (Giảm trừ doanh thu) vào bên nợ của TK 5111- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ:
Nợ TK: 5111- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Có TK: 5211- Chiết khấu thương mại
VÍ DỤ: Tại công ty Thực phẩm VH có Hóa đơn GTGT số 0014658 xuất tháng 5 cho công ty M&C (hình thức thanh toán chuyển khoản sau) ghi:
Sản phẩm Super 50 : 1.000 kg * 10.000 = 10.000.000 đ
Sản phẩm Under 30 : 2.000 kg * 7.500 = 15.000.000 đ
Chiết khấu thương mại tháng 4: 10 kg sản phẩm Super 50 và 20 kg sản phẩm Under 30 tương đương: 100.000 đ + 150.000 đ = 250.000 đ
Thành tiền: 10.000.000 + 15.000.000 – 250.000 = 24.750.000 đ
Thuế GTGT 10%: 2.475.000 đ
Tổng cộng: 27.225.000 đ
Công ty Thực phẩm VH, căn cứ vào Hoá đơn GTGT số 0014658, ghi sổ kế toán theo các bút toán:
– Phản ánh số chiết khấu thương mại thực tế phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 521 – 250.000đ
Nợ TK 3331 – 25.000đ
Có TK 131 – 275.000đ
– Phản ảnh doanh thu
Nợ TK 131 – 27.500.000đ
Có TK 511 – 25.000.000đ
Có TK 3331 – 2.500.000đ
Công ty M&C căn cứ vào Hoá đơn GTGT số 0014658 (Liên 2- Giao cho khách hàng), ghi sổ kế toán theo bút toán:
Nợ TK 156 – 24.750.000đ
Nợ TK 133 – 2.475.000đ
Có TK 331- 27.225.000đ
XEM THÊM: Cách hạch toán chiết khấu thương mại – giảm giá hàng bán theo TT200/TT133
2.2 Hạch toán của chiết khấu thanh toán
BÊN MUA:
Phần chiết khấu thanh toán nhận được sẽ được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính;
Nợ TK: 3311 (Nếu giảm trừ công nợ)
Nợ TK: 111, 112 (Nếu nhận bằng tiền)
Có TK: 515- Doanh thu hoạt động tài chính.
BÊN BÁN:
Phần chiết khấu thanh toán cho khách hàng sẽ được ghi nhận vào Chi phí tài chính của doanh nghiệp:
Nợ TK: 635- Chi phí tài chính
Nợ 111, 112, 131, 3388
VÍ DỤ: Công ty Việt Hưng đặt hàng 100 máy giặt Electrolux 11 KG với tổng tiền cần thanh toán là 213,000,000. Do công ty Việt Hưng thanh toán sớm nên được nhận chiết khấu thanh toán 10%. Hạch toán chiết khấu chuyển khoản.
Số tiền được chiết khấu là: 213,000,000×10% = 21,300,000
Bên bán: Nợ TK635: 21,300,000 Có TK112: 21,300,000
Bên mua hàng: Nợ TK112: 21,300,000 Có TK515: 21,300,000
XEM THÊM: Chi tiết cách hạch toán chiết khấu thanh toán theo Thông tư 200 & Thông tư 133