Điểm danh những công việc của kế toán phải làm

Đánh giá

Kế toán là một ngành rất hot hiện nay khi nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Do vậy, rất nhiều sinh viên định hướng theo ngành này. Nhưng bạn đã hiểu cụ thể những công việc của kế toán phải làm chưa? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của kế toán Việt Hưng nhé. 

công việc của kế toán
Điểm danh những công việc của kế toán phải làm

1. Công việc của kế toán trưởng

– Xây dựng bộ máy kế toán.

– Phân công công việc cho các kế toán viên.

– Xây dựng hệ thống chứng từ sổ sách, quy trình luân chuyển chứng từ.

– Kiểm tra tính hợp lý hợp lệ của hóa đơn chứng từ, tiến hành ghi sổ sách tổng hợp, lên báo cáo tài chính.

– Xây dựng kế hoạch tài chính cho doanh nghiệp.

2. Công việc của kế toán tổng hợp

– Kiểm tra chứng từ do kế toán viên đã sắp xếp để ghi sổ theo trình tự sau:

+ Nhật ký chung >>> sổ chi tiết (Công nợ, hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ) >>> Sổ cái tài khoản >>> Cân đối phát sinh >>> Lên báo cáo tài chính

– Hàng ngày làm các công việc:

+ Kiểm tra chứng từ phát sinh theo đúng nghiệp vụ.

+ Tiến hành ghi sổ tổng hợp, chi tiết.

– Hàng tháng làm các công việc:

+ Lập bảng lương, bảng trích nộp, bảng khấu hao tài sản cố định, bảng phân bổ chi phí trả trước dài hạn, ngắn hạn.

+ Kiểm tra đối chiếu giữa các sổ chi tiết và sổ tổng hợp.

+ Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng thì kiểm tra toàn bộ hóa đơn đầu vào đầu ra phục vụ cho công tác kê khai. Nộp đúng hạn chậm nhất ngày 20 của tháng tiếp theo.

+ Kê khai thuê thu nhập cá nhân (nếu có).

– Hàng quý làm các công việc

+ Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì kiểm tra toàn bộ hóa đơn đầu vào đầu ra phục vụ cho công tác kê khai. Nộp đúng hạn chậm nhất ngày 30 của tháng tiếp theo.

+ Xác định chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính (trước quý 4/2014 doanh nghiệp phải lập tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính. Từ quý 4/2014 doanh nghiệp không phải lập tờ khai chỉ đi nộp tiền thuế theo thông tư 151 có hiệu lực từ ngày 15/11/2014).

+ Thực hiện bút toán kết chuyển xác định kết quả kinh doanh trên sổ.

+ Kê khai thuê thu nhập cá nhân (nếu có).

– Cuối năm phải làm các công việc:

+ Kiểm tra lại sổ sách, tờ khai trước khi làm báo cáo tài chính.

+ Tiến hành in sổ lưu trữ tại doanh nghiệp.

+ Lên báo cáo tài chính và lập tờ khai quyết toán các khoản thuế trong doanh nghiệp. Nộp đúng hạn chậm nhất ngày 31/3/N+1.

3. Công việc của kế toán thuế

3.1. Công việc đầu năm tài chính

– Nộp thuế môn bài

+ Đối với doanh nghiệp đã thành lập trường hợp có thay đổi các thông tin về doanh nghiệp như tên, địa chỉ, vốn điều lệ… phải lập tờ khai thuế môn bài và nộp tiền thuế môn bài theo bậc thuế quy định tại thông tư 42/2002/TT-BTC sửa đổi bổ sung tại TT42/2003/TT-BTC.

+ Trường hợp doanh nghiệp không thay đổi các thông tin trên thì chỉ đi nộp tiền thuế môn bài phát sinh cho năm tài chính.

+ Hạn nộp: 31/01/N+1.

– Đăng ký phương pháp kê khai thuế và tính thuế GTGT.

Trường hợp doanh nghiệp có doanh thu của năm trước liền kề nhỏ hơn 1 tỷ muốn áp dụng theo phương pháp khấu trừ doanh nghiệp nộp mẫu đăng ký số 06 đính kèm tại phụ lục thông tư 156/2013/TT-BTC.

– Nộp báo cáo tài chính cùng tờ doanh nghiêp tự quyết toán của năm trước liền kề

01 bộ báo cáo tài chính doanh nghiệp phải lập:

+ Bảng cân đối kế toán.

+ Báo cáo kết quả kinh doanh.

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (phương pháp trực tiếp hoặc phương pháp gián tiếp).

+ Thuyết minh báo cáo tài chính.

+ Bảng cân đối tài khoản.

01 bộ tờ khai quyết toán thuế TNDN năm gồm:

+ Tờ khai quyết toán thuế TNDN mẫu 03/TNDN.

+ Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh mẫu 03-1A/TNDN.

+ Phụ lục kết chuyển lỗ mẫu 03-2A/TNDN, phụ lục thuế TNDN được ưu đãi 03-3A.

01 bộ tờ khai quyết toán thuế TNCN năm gồm:

+ Tờ khai quyết toán thuế TNCN 05KK-TNCN.

+ Phụ lục bảng kê thu nhập chịu thuế và thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương tiền công của cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động mẫu 05-1BK-TNCN.

+ Phụ lục bảng kê thu nhập chịu thuế và thuế TNCN đã khấu trừ đối với thu nhập từ tiền lương tiền công của cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng và cá nhân không cư trú mẫu 05-2BK-TNCN.

+ Phụ lục bảng kê thông tin người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh mẫu 05-3BK-TNCN.

Lưu ý: Thời gian nộp BCTC và hồ sơ doanh nghiệp tự quyết toán năm chậm nhất là ngày 31/03/N+1.

3.2. Công việc hàng tháng

Áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu trên tờ khai của năm trước liền kề lớn hơn 20 tỷ hoặc đối với doanh nghiệp có doanh thu của năm trước liền kề nhỏ hơn 20 tỷ nhưng đã nộp thông báo số 07 đính kèm tại thông tư 151/2014/TT-BTC có hiệu lực từ 15/11/2014.

– Lập tờ khai thuế GTGT mẫu_01/GTGT kèm các phụ lục nếu có (bảng kê mua vào, bảng kê hàng bán ra).

– Lập tờ khai thuế TNCN mẫu_02KK/TNCN (Nếu doanh nghiệp có tổng số thuế TNCN phát sinh lớn hơn 5 triệu/1 tháng).

Chú ý: Thời hạn nộp chậm nhất ngày 20 của tháng kế tiếp. Ví dụ hạn nộp tờ khai tháng 01/2015 là 20/02/2015.

3.3. Công việc hàng quý

– Trường hợp 1: Doanh nghiệp có doanh thu của năm trước liền kề lớn hơn 20 tỷ hoặc đối với doanh nghiệp có doanh thu của năm trước liền kề nhỏ hơn 20 tỷ nhưng đã nộp thông báo số 07 đính kèm tại thông tư 151/2014/TT-BTC có hiệu lực từ 15/11/2014.

+ Nộp thông báo tình hình sử dụng hóa đơn mẫu BC26/AC.

+ Lập tờ khai thuế TNCN mẫu_02KK/TNCN (Nếu doanh nghiệp có tổng số thuế TNCN phát sinh nhỏ hơn 5 triệu/1 tháng).

+ Tạm tính sô thuế TNDN phải nộp (không phải nộp tờ khai, áp dụng từ quý IV năm 2014 theo thông tư 151/2014/TT_BTC có hiệu lực từ ngày 15/11/2014). Số thuế doanh nghiệp tạm tính chênh lệch không vượt qua 20% tổng thuế phải nộp trong quý.

+ Hạn nộp: Chậm nhất là ngày 30 kể từ ngày kết thúc quý.

– Trường hợp 2: Doanh nghiệp mới thành lập hoặc doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất kinh doanh có doanh thu của năm trước liền kề nhỏ hơn 20 tỷ.

+ Lập tờ khai thuế GTGT mẫu_01/GTGT kèm các phụ lục nếu có (bảng kê mua vào, bảng kê hàng bán ra).

+ Lập tờ khai thuế TNCN mẫu_02KK/TNCN (Nếu doanh nghiệp có tổng số thuế TNCN phát sinh nhỏ hơn 5 triệu/1 tháng).

+ Nộp thông báo tình hình sử dụng hóa đơn mẫu BC26/AC.

+ Tạm tính sô thuế TNDN phải nộp (không phải nộp tờ khai, áp dụng từ quý IV năm 2014 theo thông tư 151/2014/TT_BTC có hiệu lực từ ngày 15/11/2014). Số thuế doanh nghiệp tạm tính chênh lệch không vượt qua 20% tổng thuế phải nộp trong quý.

+ Hạn nộp: Chậm nhất là ngày 30 kể từ ngày kết thúc quý.

Chú ý đối với thuế suất thuế TNDN tạm tính: Doanh nghiệp tạm tính thuế TNDN hàng quý theo quy định tại thông tư 78/2014/TT-BTC. Đối với doanh nghiệp có doanh thu của năm trước liền kề lớn hơn 20 tỷ sẽ áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22% (áp dụng từ 01/01/2014 theo luật sửa thuế TNDN 32). Đối với doanh nghiệp có doanh thu của năm trước liền kề nhỏ hơn 20 tỷ sẽ áp dụng mức thuế suất 20%. Căn cứ doanh thu dựa tờ khai quyết toán thuế TNDN năm hướng dẫn chi tiết tại thông 141/2013/TT-BTC.

3.4. Công việc cuối năm

Kế toán chuẩn bị cho công tác nộp báo tài chính và hồ sơ doanh nghiệp tự quyết toán năm:

– Kiểm tra lại toàn bộ tờ khai phát sinh trong năm.

– Kiểm tra hồ sơ pháp lý, hóa đơn chứng từ.

– Kiểm tra đối chiếu giữa các sổ chi tiết, sổ tổng hợp trong doanh nghiệp lập bảng cân đối số phát sinh và lên BCTC.

4. Công việc của kế toán kho

4.1. Kiến thức chuyên môn

– Nắm vững nguyên tắc giá gốc giúp kế toán xác định đúng trị giá hàng nhập kho.

– Nắm vững các phương pháp xuất kho.

– Nắm vững chuẩn mực kế toán số 02.

– Đối với doanh nghiệp áp dụng theo quyết định 48/2006/QĐ-BTC lựa chọn áp dụng 1 trong 4 phương pháp: nhập trước xuất trước, nhập sau xuất trước, thực tế đích danh, bình quân gia quyền.

– Đối với doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo thông tư 200/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 chỉ áp dụng 1 trong 3 phương pháp Nhập trước xuất trước, thực tế đích danh, bình quân gia quyền bỏ phương pháp nhập sau xuất trước.

4.2. Kỹ năng cần có

– Thành thạo tin học văn phòng đặc biệt excel, thao tác kiểm tra đối chiếu giữa các sheet.

– Trường hợp doanh nghiệp sử dụng phần mềm doanh nghiệp phải nắm vững phân hệ “Kế toán Kho”

4.3. Công việc phải làm

– Hàng ngày căn cứ vào lệnh nhập xuất, hóa đơn,…lập phiếu nhập kho, phiếu xuất kho. (Giá ghi trên phiếu nhập kho dựa theo nguyên tắc giá gốc, Giá ghi trên phiếu xuất kho dựa theo phương pháp xuất kho doanh nghiệp lựa chọn để tính giá xuất). Căn cứ vào phiếu nhập xuất đã lập kế toán ghi sổ chi tiết hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ hoặc thành phẩm khi nhập hoặc khi xuất.

– Cuối mỗi ngày kiểm tra đối chiếu số lượng trong kho và số lượng trên sổ chi tiết theo từng loại NVL, CCDC, HH, TP đã mở.

– Hàng tuần hoặc cuối mỗi tháng kiểm tra đối chiếu giữa sổ chi tiết và sổ tổng hợp, của hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm trong doanh nghiệp.

– Có trách nhiệm kiểm tra đối chiếu báo cáo nhập xuất tồn với số lượng tồn kho vào cuối mỗi tháng hoặc theo yêu cầu của nhà quản lý.

5. Công việc của kế toán bán hàng

5.1. Yêu cầu về kiến thức

– Nắm vững chuẩn mực kế toán số 14.

– Có kiến thức về sử dụng và lập hóa đơn bán hàng trong doanh nghiệp theo quy định tại nghị định 51/2010/ND-CP, sửa đổi bổ sung nghị định 04/2014/ND-CP, thông tư hướng dẫn sử dụng hóa đơn trong doanh nghiệp thông tư 39/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/06/2014, sửa đổi tại thông tư 119/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/09/2014.

5.2. Yêu cầu về năng

– Sử dụng thành thạo tin học văn phòng.

– Nắm vững phân hệ bán hàng trường hợp doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán trong công tác hạch toán tại doanh nghiệp.

5.3. Công việc phải làm

– Lập và gửi báo giá cho khách hàng.

– Lập và quản lý hợp đồng kinh tế, biên bản thanh lý hợp đồng.

– Thực hiện viết hóa đơn theo đơn đặt hàng và hợp đồng mua bán đã ký.

– Thực hiện hạch toán khi phát sinh các khoản doanh thu trong doanh nghiệp bao gồm hạch toán chi tiết và hạch toán tổng hợp.

– Hàng ngày kiểm tra đối chiếu với hóa đơn xuất bán ghi sổ nhật ký doanh thu.

– Kiểm tra đối chiếu với kế toán kho đảm bảo tiến độ giao hàng và khớp số liệu hàng, kiểm tra đối chiếu đối với kế toán công nợ đảm bảo tiến độ thanh toán.

– Theo dõi kiểm tra các chương trình bán hàng của phòng kinh doanh: như chiết khấu thanh toán, giảm giá hàng bán, chiết khấu thương mại, đảm bảo cho việc xuất hóa đơn theo đúng quy định.

– Kiểm tra đối chiếu sổ nhật ký doanh thu đã ghi nhật đối chiếu với sổ Cái của phòng kế toán tổng hợp đã làm.

6. Công việc của kế toán tiền lương

6.1. Yêu cầu về kiến thức

Cập nhật thường xuyên các văn bản liên quan đến lao động như luật lao động, các nghị định liên quan đến các khoản bảo hiểm như năm nghị định 182/2013/ND-CP quy định về lương cơ bản và tỷ lệ trích các khoản trích nộp bảo hiểm cho người lao động áp dụng trong năm 2014, Nghị định 103/2014/ND-CP quy định về lương cơ bản và tỷ lệ trích các khoản trích nộp bảo hiểm cho người lao động áp dụng trong năm 2015.

6.2. Yêu cầu về kỹ năng

– Sử dụng thành thạo tin học văn phòng.

– Nắm vững phân hệ tiền lương trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán.

6.3. Công việc phải làm

– Quản lý hợp đồng lao động trong doanh nghiệp.

– Theo dõi ngày công, thực hiện công tác chấm công hàng ngày cho người lao đông.

– Theo dõi tình hình tạm ứng lương, thanh toán lương cho người lao động.

– Cuối tháng lập bảng tính lương đảm bảo đúng hợp đồng lao động, quy chế tiền lương hoặc thỏa ước lao động tập thể.

– Lập bảng trích nộp bảo hiểm theo đúng quy định hiện hành, bao gồm:

+ Bảo hiểm xã hội: Tổng trích 26% trong đó 18% tính vào chi phí của doanh nghiệp, 8% trừ vào lương người lao động.

+ Bảo hiểm y tế: Tổng trích 4,5% trong đó 3% tính vào chi phí của doanh nghiệp, 1,5% trừ vào lương người lao động.

+ Bảo hiểm thất nghiệp: Tổng trích 2% trong đó 1% tính vào chi phí của doanh nghiệp, 1% trừ vào lương người lao động.

– Thực hiện các thủ tục về bảo hiểm trong doanh nghiệp: đăng ký tham gia bảo hiểm, báo tăng, báo giảm, thủ tục thai sản…

– Xây dựng và nộp thang bảng lương trong doanh nghiệp. Mức lương cơ bản để tham gia bảo hiểm cho người lao động trong doanh nghiệp được xây dựng dựa trên mức lương tối thiểu vùng đảm bảo theo 2 nguyên tắc về lương đối với lao động đã qua đào tạo dạy nghề đóng cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu, chênh lệch giữa các bậc trong doanh nghiệp khi tham gia đóng BH là 5%.

7. Công việc của kế toán công nợ

7.1. Nhiệm vụ của kế toán công nợ

– Kiểm soát công nợ trả trong doanh nghiệp theo từng đối tượng cụ thể: nhà cung cấp, khách hàng, người lao động.

– Lập kế toán thanh toán và thu hồi công nợ đảm bảo cho quá trình thanh toán trong doanh nghiệp được liên tục .

7.2. Yêu cầu về kỹ năng

– Khả năng đối chiếu, so sánh số liệu.

– Kỹ năng excel.

– Nắm vững phân hệ bán hàng hoặc mua hàng trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng phần mềm.

7.3. Công việc phải làm

– Khi phát sinh các hợp đồng kinh tế mới kế toán công nợ kiểm soát theo các chỉ tiêu: đối tượng, số tiền, thời gian thanh toán theo phụ lục của hợp đồng.

– Phản ánh kịp thời phần thanh toán theo chứng từ phát sinh như Phiếu Thu, Phiếu Chi, Giấy Báo Nợ, Giấy Báo Có…ghi sổ chi tiết công nợ theo từng đối tượng.

– Thực hiện kiểm tra đối chiếu tình hình thanh toán công nợ với từng đối tượng.

+ Đối với người lao động sẽ thanh toán lương theo quy chế tiền lương trong doanh nghiệp, Hợp đồng lao động.

+ Đối với nhà cung cấp và đối với khách hàng: thanh toán theo đúng thời gian quy định theo phụ lục trong hợp đồng mua bán.

– Cuối mỗi tuần, hoặc mỗi tháng thực hiện công tác đối chiếu giữa sổ chi tiết công nợ với sổ tổng hợp công nợ.

– Lập thông báo công nợ phải thu công nợ phải trả theo yêu cầu của giám đốc.

– Đánh giá khả năng thu hồi công nợ để kịp thời trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, lập kế hoạch thu hồi công nợ đảm bảo cho quá trình thanh toán trong doanh nghiệp được diễn ra liên tục.

– Đối với công nợ phải trả kế toán kiểm tra đối chiếu với hợp đồng mua bán lập kế hoạch thanh toán đúng hạn đảm bảo điều kiện cho doanh nghiệp được khấu trừ đúng số thuế đầu vào theo hướng dẫn về thuế GTGT tại thông tư 219/2014/TT-BTC.

8. Công việc của kế toán tài sản cố định

8.1. Yêu cầu về kiến thức

– Nắm được chuẩn mực kế toán số 03.

– Cập nhật văn bản quy định về quản lý và trích khấu hao tài sản cố định:

+ Thông tư 203/2009/TT-BTC

+ Kể từ ngày 10/06/2013 áp dụng thông tư 45/2013/TT-BTC hướng dẫn về quản lý và trích khấu hao tài sản cố định.

8.2. Yêu cầu về kỹ năng

– Sử dụng thành thạo tin học văn phòng.

– Nắm vững phân hệ “Tài Sản Cố Định”.

8.3. Công việc cần phải làm

– Quản lý hồ sơ tài sản cố định: hợp đồng mua, hồ sơ gốc về thông số kỹ thuật , thủ tục pháp lý về tài sản cố định (biên bản giao nhận, biên bản thanh lý, biên bản kiểm kê, đánh giá trị giá TSCĐ…).

– Theo dõi tình hình biến động tăng giảm tài sản cố định trong doanh nghiệp để tiến hành ghi các sổ, thẻ liên quan.

– Hàng tháng lập bảng trích khấu hao TSCĐ, bảng tính chi phí khấu hao TSCĐ cho các bộ phận sử dụng trong doanh nghiệp.

– Thực hiện kiểm kê, đánh giá tình trạng của TSCĐ để DN lên kế hoạch sửa chữa tu bổ TSCĐ.

9. Công việc của kế toán thanh toán

Công việc của kế toán thanh toán là quản lý tình hình thanh toán bằng tiền mặt và bằng tiền gửi ngân hàng, cụ thể như sau:

– Lập chứng từ thanh toán bằng tiền mặt như phiếu thu, phiếu chi tiến hành ghi sổ quỹ tiền mặt.

– Chịu trách nhiệm giao dịch với ngân hàng, lấy sổ phụ ngân hàng phục vụ cho công tác hạch toán kế toán tiền gửi khớp với ngân hàng.

– Kiểm tra đối chiếu giữa tiền mặt tại quỹ với sổ quỹ tiền mặt.

– Hỗ trợ phòng kế toán lấy sao kê chi tiết trong công tác kiểm tra số dư tiền gửi ngân hàng trong ngân hàng và số dư trên sổ sách.

– Kiểm tra đối chiếu với kế toán công nợ đảm bảo kiểm soát tình hình thanh toán với công nợ trong doanh nghiệp.

– Lập các báo về tình hình thanh toán theo yêu cầu của giám đốc.

10. Công việc của kế toán nội bộ

10.1. Yêu cầu kỹ năng

– Khả năng kiểm soát tốt từ chi tiết đến tổng hợp.

– Thành thạo tin học văn phòng.

10.2. Công việc phải làm

Khác với kế toán viên phân theo từng phần hành như: Kế toán bán hàng, kế toán kho, kế toán thanh toán, kế toán công nợ, kế toán thuế, kế toán tài sản cố định, kế toán tiền lương kế toán nội bộ ghi nhận toàn bộ các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến tiền và hàng hóa, lao động trong doanh nghiệp đảm bảo theo yêu cầu quản lý. Cụ thể:

– Về quản lý hàng: Quản lý nhập xuất tồn về hàng hóa, nguyên vật liệu, CCDC trong doanh nghiệp. Gửi ban giám đốc về thực trạng hàng tồn kho trong doanh nghiệp, lên kế hoạch nhập kho hàng hóa, NVL, CCDC.

– Về quản lý tiền: Bao gồm tiền mặt tại quỹ và tiền gửi trong ngân hàng. Kiểm soát tăng giảm tiền trong doanh nghiệp báo cáo nhà quản lý có kế hoạch về tài chính. Quản lý trực tiếp thu chi nội bộ, các khoản thanh toán bằng tiền trong doanh nghiệp.

– Về lao động: Quản lý về hệ thống nhân sự, cung cấp thông tin cho ban giám đốc về nhân sự trong doanh nghiệp. Lập kế hoạch về tuyển nhân sự cho giám đốc.

Trên đây là những công việc phải làm của kế toán hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Hi vọng bài viết này giúp các bạn có cái nhìn tổng quan nhất về ngành kế toán để định hướng phù hợp cho tương lai. Chúc các bạn thành công!

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận