11 lưu ý hưởng chế độ thai sản với người lao động mới nhất

Đánh giá

Chế độ thai sản – Để hưởng chế độ thai sản thì điều kiện hưởng chế độ thai sản mới nhất được quy định thế nào? Quyền lợi & mức độ hưởng của lao động nữ khi tham gia đóng Bảo hiểm xã hội cùng Trung tâm Kế Toán Việt Hưng tìm hiểu qua bài viết chia sẻ ngay dưới đây.

1. Đối tượng được áp dụng chế độ thai sản

Theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, đối tượng được hưởng chế độ thai sản bao gồm:

– Người làm việc có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn đủ 03 – 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động và người đại diện theo luật của người dưới 15 tuổi;

– Người làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 01 đến 03 tháng;

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan công an, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như với quân nhân;

– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành ở hợp tác xã được hưởng tiền lương.

2. Điều kiện được hưởng chế độ thai sản

Theo Điều 31 Luật BHXH 2014, người lao động được hưởng chế độ thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp:

(1) Lao động nữ mang thai;

(2) Lao động nữ sinh con;

(3) Lao động nữ nhận mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ;

(4) Người nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi;

(5) Lao động nữ đặt vòng tránh thai và người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

(6) Lao động nam đóng bảo hiểm xã hội và có vợ sinh con.

Người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, khi thuộc trường hợp ở mục (2) (3) (4) kể trên.

Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng trở lên, nếu khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 39 Luật BHXH 2014 nếu chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38, khoản 1 Điều 39 ở Luật BHXH 2014.

3. Thời gian được hưởng chế độ thai sản khi khám thai 

Thời gian hưởng chế độ khi khám thai quy định ở Điều 32 Luật BHXH 2014 như sau:

– Lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày trong thời gian mang thai. Nếu ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý, thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính theo ngày làm việc và không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

4. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai

Khi lao động nữ sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được phép nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, theo quy định ở Điều 33 Luật BHXH 2014.

Trong đó, thời gian nghỉ việc tối đa như sau (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần):

– 10 ngày khi thai dưới 05 tuần tuổi;

– 20 ngày nếu thai từ 05 – 13 tuần tuổi;

– 40 ngày nếu thai từ 13 – 25 tuần tuổi;

– 50 ngày nếu thai từ đủ 25 tuần tuổi trở lên.

5. Thời gian được hưởng chế độ thai sản khi sinh con

Thời gian hưởng chế độ khi sinh con đươc quy định ở Điều 34 Luật BHXH 2014 như sau:

(1) Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con 06 tháng. 

Nếu lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng đối với mỗi người con.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước sinh tối đa không quá 02 tháng.

(2) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc và hưởng chế độ thai sản như sau:

+ 05 ngày làm việc;

+ 07 ngày làm việc khi vợ sinh con mà phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

+ Trong trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

+ Trường hợp vợ sinh đôi trở lên nếu phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nói trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu tính từ ngày vợ sinh con.

(3) Sau sinh nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì người mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con. Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014 và không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

(4) Nếu chỉ có mẹ hoặc cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014. Nếu mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 Luật này mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

(5) Nếu cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều này thì ngoài tiền lương họ còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014.

(6) Nếu chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không đủ sức khỏe để chăm sóc con – có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các mục (1) (3) (4) (5) và (6) kể trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

6. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi

Điều 36 Luật BHXH 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi như sau:

Người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Nếu cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật BHXH 2014 thì chỉ người cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

7. Mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở trong tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Khi sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

8. Chế độ cho lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ

– Người lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật BHXH 2014. Từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ nếu thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày bao gồm nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

– Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

9. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai

Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai quy định tại Điều 37 Luật BHXH 2014 như sau:

– Người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi thực hiện các biện pháp tránh thai, thời gian nghỉ việc tối đa như sau (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần):

+ 07 ngày với lao động nữ đặt vòng tránh thai;

+ 15 ngày với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

10. Mức hưởng chế độ thai sản

Mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

– Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Nếu người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật BHXH 2014 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

– Mức hưởng một ngày đối với các trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

– Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật BHXH 2014.

11. Quyền lợi của lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con

– Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật BHXH 2014 khi:

+ Đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;

+ Đã báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

– Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này.

Nếu bạn có bất kỳ vướng mắc nào về nghiệp vụ kế toán cho đối tượng hưởng chế độ thai sản cần tháo gỡ MỜI BẠN THAM GIA ĐẶT CÂU HỎI để giải đáp NGAY LẬP TỨC bởi đội ngũ kế toán trưởng tại Group CỘNG ĐỒNG LÀM KẾ TOÁN: https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan

chế độ thai sản 2
Hỏi đáp về chế độ thai sản

Trên đây là những chia sẻ Kế Toán Việt Hưng về các chế độ thai sản dành cho lao động nữ tham gia BHXH có quyền lợi được hưởng giúp phần nào hỗ trợ các mẹ chăm con nhỏ trong thời kỳ trước & sau sinh bé. Mong rằng mọi thông tin trên sẽ hữu ích cho các bạn đọc – đừng quên theo dõi Fanpage của Chúng tôi kịp thời cập nhật thông tin mới nhất ưu đãi dành cho các khóa học kế toán phần nào giúp các mẹ tăng thêm thu nhập khi nhận ngoài dịch vụ kế toán.

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận