Tiền lương là khoản mà doanh nghiệp trả cho người lao động theo thỏa thuận làm việc. Cách tính lương và trả lương trong doanh nghiệp là một nghiệp vụ kế toán quan trọng đặc biệt. Cùng kế toán Việt Hưng tìm hiểu chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Nguyên tắc tính lương
Nguyên tắc cơ bản của việc tính lương trong doanh nghiệp đó là phân cấp bậc lương cho từng vị trí. Trước khi tim hiểu về nguyên tắc tính lương trong doanh nghiệp, bạn cần hiểu rõ một số khái niệm sau:
- Tiền lương cấp bậc là tiền lương áp dụng cho công nhân căn cứ vào số lượng và chất lượng lao động của công nhân.
- Hệ số tiền lương cấp bậc theo những quy định của Nhà nước là căn cứ để doanh nghiệp dựa vào đó để trả lương cho người lao động theo chất lượng và điều kiện lao động khi họ hoàn thành một công việc nhất định.
- Mức lương là lượng tiền trả cho người lao động trong một đơn vị thời gian (giờ, ngày, tháng…) phù hợp với các cấp bậc trong thang lương. Thông thường, Nhà nước chỉ quy định mức lương bậc I hoặc mức lương tối thiểu với hệ số lương của cấp bậc tương ứng.
- Thang lương là quan hệ tỷ lệ về tiền lương giữa các vị trí giống hoặc khác nhau theo trình tự và cấp bậc. Mỗi bậc trong thang lương đều có hệ số cấp bậc và tỷ lệ tiền lương khác nhau so với tiền lương tối thiểu.
- Tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật là văn bản quy định về mức độ phức tạp của công việc và yêu cầu về trình độ lành nghề của công nhân ở một bậc nào đó phải biết gì về mặt kỹ thuật và phải làm được gì về mặt thực hành.
Các cách tính lương trong doanh nghiệp
Tính lương theo thời gian
Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc được xác định như thế nào?
Cách tính lương theo thời gian được xác định trên cơ sở: Tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng. Theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày.
Theo như quy định trên thì chúng ta sẽ có hai cách tính lương theo thời gian như sau:
TH 1:
Lương tháng = [(Lương + Các khoản phụ cấp) / Số ngày đi làm theo quy định]* Số ngày làm việc thực tế.
Trong đó:
Số ngày đi làm theo quy định = Số ngày trong tháng – Số ngày nghỉ.
Ví dụ: Tháng 7/2017 có 31 ngày và có 4 chủ nhật (người lao động được nghỉ vào cn) => Số làm đi làm theo quy định là 27.
TH 2: Hoặc cách tính lương khác như sau:
Thay vì phải tính xem mỗi tháng có bao nhiêu ngày công tiêu chuẩn để chia thì kế toán có cách tính đơn giản hơn. Đó là chọn một con số ngày công tiêu chuẩn cố định để chia (Thường là 26 ngày).
Lương tháng = [(Lương + Các khoản phụ cấp)]/ 26]* Số ngày làm việc thực tế.
Với cách tính lương như trên thì có vẻ dễ dàng hơn trong việc tính toán và theo dõi tiền lương. Tuy nhiên tuỳ thuộc vào đặc thù của từng DN, tuỳ thuộc vào yêu cầu của người quản lý mà kế toán có thể chọn một trong hai cách trên để làm bảng lương.
Tính lương theo sản phẩm
Đây là hình thức trả lương phổ biến ở các doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp trả lương cho NLĐ theo số lượng cũng như chất lượng sản phẩm hoặc theo công việc đã hoàn thành. Hình thức này nhằm khuyến khích NLĐ làm việc thế nào cho hiệu quả, nâng cao năng suất lao động cho DN thì mới được hưởng nhiều lương.
Lương sản phẩm = Sản lượng SP * đơn giá SP
Tính lương khoán
Là hình thức trả lương theo mức độ hoàn thành công việc của khối lượng công việc được giao.
Lương khoán = Mức lương khoán *% hoàn thành công việc
Nguyên tắc trả lương
– Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
– Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì: không được trả chậm quá 01 tháng.
– Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:
+ Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm.
+ Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
+ Nếu Ngân hàng Nhà nước không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại. (Ngân hàng nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương).
Trên đây là bài viết chia sẻ về cách tính lương và trả lương trong doanh nghiệp của kế toán Việt Hưng. Nếu bạn có câu hỏi hay thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhé!