Nhiệm vụ kế toán phải thu nội bộ theo Thông tư 200

Phải thu nội bộ là các khoản phải thu phát sinh trong quan hệ thương mại, tài chính giữa doanh nghiệp với đơn vị cấp dưới. Hoặc giữa các đơn vị cấp dưới trực thuộc doanh nghiệp độc lập. Kế toán phải thu nội bộ cần làm những gì? 

1. Nguyên tắc hạch toán phải thu nội bộ

Tại điều 20 thông tư 200/2014/TT-BTC khi hạch toán tài khoản 136 -­ Phải thu nội bộ phải tuân thủ một số nguyên tắc kế toán sau:

+ Nội dung các khoản phải thu nội bộ phản ánh vào tài khoản 136 bao gồm:

Ở đơn vị cấp trên:

  • Vốn, quỹ hoặc kinh phí đã giao, đã cấp cho cấp dưới;
  • Các khoản cấp dưới phải nộp lên cấp trên theo quy định;
  • Các khoản nhờ cấp dưới thu hộ;
  • Các khoản đã chi, đã trả hộ cấp dưới;
  • Các khoản đã giao cho đơn vị cấp dưới để thực hiện khối lượng giao khoán nội bộ và nhận lại giá trị giao khoán nội bộ;
  • Các khoản phải thu vãng lai khác.

 Ở đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc:

  • Các khoản được đơn vị cấp trên cấp nhưng chưa nhận được;
  • Giá trị sảm phẩm, hàng hóa dịch vụ chuyển cho đơn vị cấp trên hoặc các đơn vị khác để bán;
  • Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị nội bộ;
  • Các khoản nhờ đơn vị cấp trên hoặc các đơn vị khác thu hộ;
  • Các khoản đã chi, đã trả hộ đơn vị cấp trên và đơn vị nội bộ khác;
  • Các khoản phải thu vãng lai khác.

+ Tài khoản 136 phải hạch toán chi tiết theo từng đơn vị có quan hệ thanh toán và theo dõi riêng từng khoản phải thu nội bộ. Doanh nghiệp cần có biện pháp đôn đốc giải quyết dứt điểm các khoản nợ phải thu nội bộ trong niên độ kế toán.

+ Cuối kỳ kế toán, phải kiểm tra, đối chiếu và xác nhận số phát sinh, số dư Tài khoản 136 “Phải thu nội bộ”, Tài khoản 336 “Phải trả nội bộ” với các đơn vị có quan hệ theo từng nội dung thanh toán. Tiến hành thanh toán bù trừ theo từng khoản của từng đơn vị có quan hệ, đồng thời hạch toán bù trừ trên 2 Tài khoản 136 “Phải thu nội bộ” và Tài khoản 336 “Phải trả nội bộ” (Theo chi tiết từng đối tượng). Khi đối chiếu, nếu có chênh lệch, phải tìm nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời.

2. Kết cấu tài khoản phải thu nội bộ

Bên Nợ:

  • Số vốn kinh doanh đã giao cho đơn vị cấp dưới (bao gồm vốn cấp trực tiếp và cấp bằng các phương thức khác);
  • Kinh phí chủ đầu tư giao cho Ban quản lý dự án (BQLDA); các khoản khác được ghi tăng số phải thu của chủ đầu tư đối với BQLDA;
  • Các khoản đã chi hộ, trả hộ đơn vị cấp trên, cấp dưới hoặc các đơn vị nội bộ khác;
  • Số tiền đơn vị cấp trên phải thu về, các khoản đơn vị cấp dưới phải nộp lên;
  • Số tiền đơn vị cấp dưới phải thu về, các khoản cấp trên phải giao xuống;
  • Số tiền phải thu về bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cho đơn vị cấp trên, cấp dưới, giữa các đơn vị nội bộ với nhau;
  • Các khoản phải thu nội bộ khác.

Bên Có:

  • Thu hồi vốn, quỹ ở đơn vị cấp dưới;
  • Giá trị TSCĐ hoàn thành chuyển lên từ BQLDA; các khoản khác được ghi giảm số phải thu của chủ đầu tư đối với BQLDA;
  • Quyết toán với đơn vị cấp dưới về kinh phí sự nghiệp đã cấp, đã sử dụng;
  • Số tiền đã thu về các khoản phải thu trong nội bộ;
  • Bù trừ phải thu với phải trả trong nội bộ của cùng một đối tượng.

Số dư bên Nợ:

  • Số nợ còn phải thu ở các đơn vị nội bộ.

Tài khoản 136 ­- Phải thu nội bộ, có 4 tài khoản cấp 2:

  • Tài khoản 1361 -­ Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc
  • Tài khoản 1362 – Phải thu nội bộ về chênh lệch tỷ giá
  • Tài khoản 1363 – Phải thu nội bộ về chi phí đi vay đủ điều kiện được vốn hóa
  • Tài khoản 1368 -­ Phải thu nội bộ khác: Phản ánh tất cả các khoản phải thu khác giữa các đơn vị nội bộ.

Kế toán Việt Hưng cập nhật nguyên tắc và kết cấu tài khoản phải thu nội bộ theo TT 200. Kế toán viên cần nắm bắt kịp thời để xử lý nghiệp vụ. Chúc các bạn thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *