Kế toán chủ đầu tư xây dựng công trình cơ bản (phần 1)

Kế toán chủ đầu tư xây dựng công trình có tính đặc thù hơn kế toán những ngành khác, có nhiệm vụ theo dõi từng công trình, hạng mục công trình và ở mỗi hạng mục công trình phải được hạch toán chi tiết từng nội dung chi phí đầu tư xây dựng. Hôm nay, kế toán Việt Hưng sẽ trình bày nội dung cơ bản về kế toán chủ đầu tư xây dựng công trình qua bài viết dưới đây nhé.

kế toán chủ đầu tư
Kế toán chủ đầu tư xây dựng công trình cơ bản

 

1. Hiểu thế nào là kế toán chủ đầu tư xây dựng công trình cơ bản?

– Đầu tư xây dựng cơ bản là một hoạt động quan trọng có ảnh hưởng lớn đến nhịp độ phát triển của nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Đây là lĩnh vực rất phức tạp trong đời sống kinh tế – xã hội cần phải được quản lý một cách chặt chẽ dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ nhất định; huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất vốn đầu tư; đảm bảo chất lượng và thời hạn xây dựng với chi phí hợp lý và phù hợp với quy định của pháp luật nhà nước…

– Dự án đầu tư là một tập hợp những đề xuất về việc bỏ vốn để tạo mới, mở rộng hoặc cải tạo những đối tượng nhất định nhằm đạt được sự tăng trưởng về số lượng, cải tiến hoặc nâng cao chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ nào đó trong một khoảng thời gian xác định.

– Công trình xây dựng là sản phẩm của công nghệ xây lắp gắn liền với đất (bao gồm cả mặt nước, mặt biển và thềm lục địa….) được tạo thành bằng vật liệu xây dựng, thiết bị và lao động. Công trình xây dựng bao gồm một hoặc nhiều hạng mục công trình nằm trong dây chuyền công nghệ đồng bộ, hoàn chỉnh (có tính đến việc hợp tác sản xuất) để làm ra sản phẩm cuối cùng nêu trong dự án.

– Chủ đầu tư xây dựng công trình là người sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình.

Cụ thể như sau:

  • Đối với dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước thì chủ đầu tư xây dựng công trình do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án đâu tư xây dựng công trình phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước.
  • Các dự án sử dụng vốn tín dụng thì người vay vốn là chủ đầu tư.
  • Các dự án sử dụng vốn khác thì chủ đầu tư là chủ sở hữu vốn hoặc là người đại diện theo quy định của pháp luật.
  • Đối với các dự án sử dụng vốn hỗn hợp thì chủ đầu tư do các thành viên góp vốn thỏa thuận cử ra hoặc là người có tỷ lệ góp vốn cao nhất.

– Chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật công trình. Mỗi dự án đầu tư xây dựng công trình đều có chi phí riêng, được xác định theo đặc điểm, tính chất kỹ thuật và yêu cầu công nghệ của quá trình xây dựng.

Chi phí đầu tư xây dựng công trình được biểu thị qua các chỉ tiêu: tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán công trình, giá thanh toán và quyết toán vốn đầu tư khi kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng.

– Tổng mức đầu tư của dự án là khái toán chi phí của toàn bộ dự án được xác định trong giai đoạn lập dự án, gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, chi phí quản lý dự án và chi phí khác, chi phí dự phòng.

– Dự toán và tổng dự toán xây dựng công trình:

+ Dự toán xây dựng công trình được lập trên cơ sở khối lượng xác định theo thiết kế hoặc từ yêu cầu, nhiệm vụ công việc cần thực hiện của công trình và đơn giá, định mức chi phí cần thiết để thực hiện khối lượng đó. Nội dung dự toán xây dựng công trình bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí khác và chi phí dự phòng.

+ Dự toán xây dựng được xác định theo công trình xây dựng. Dự toán xây dựng công trình bao gồm dự toán xây dựng các hạng mục, dự toán các công việc của các hạng mục thuộc công trình.

+ Dự toán công trình được phê duyệt là cơ sở để ký kết hợp đồng, thanh toán giữa chủ đầu tư với các nhà thầu trong các trường hợp chỉ định thầu và là cơ sở để xác định giá thành xây dựng công trình.

+ Tổng dự toán xây dựng công trình của dự án là toàn bộ chi phí cần thiết để đầu tư xây dựng công trình và là căn cứ để quản lý chi phí xây dựng công trình. Tổng dự toán bao gồm các dự toán xây dựng công trình và các chi phí khác thuộc dự án. Đối với dự án chỉ có một công trình thì dự toán xây dựng công trình đồng thời là tổng dự toán.

Tổng dự toán bao gồm: các chi phí được tính theo các dự toán xây dựng công trình, hạng mục công trình gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, các chi phí khác được tính trong dự toán xây dựng công trình và chi phí dự phòng, chi phí quản lý dự án và một số chi phí khác của dự án. Tổng dự toán không bao gồm: chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư kể cả chi phí thuê đất trong thời gian xây dựng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật (nếu có), vốn lưu động ban đầu cho sản xuất (đối với dự án sản xuất kinh doanh).

2. Trình tự các bước đầu tư xây dựng công trình

Quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thường bao gồm 3 giai đoạn:

  • Chuẩn bị đầu tư
  • Thực hiện đầu tư
  • Kết thúc xây dựng, đưa dự án vào khai thác, sử dụng

3. Tìm hiểu các nội dung các chi phí thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình

(1) Chi phí xây dựng 

  • Chi phí xây dựng các công trình, các hạng mục công trình thuộc dự án
  • Chi phí phá và tháo dỡ các vật kiên trúc cũ
  • Chi phí san lấp mặt bằng xây dựng
  • Chi phí xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công (đường thi công, nhà xưởng..).
  • Nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công

(2) Chi phí thiết bị 

  • Chi phí mua sắm thiết bị công nghệ và chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ (nếu có).
  • Chi phí vận chuyển từ cảng hoặc nơi mua đến công trình, chi phí lưu kho, lưu bãi, chi phí bảo quản, bảo dưỡng tại kho bãi ở hiện trường, thuế và phí bảo hiểm thiết bị công trình.
  • Chi phí lắp đặt thiết bị và thí nghiệm, hiệu chỉnh (nếu có) 

(3) Chi phí đền phù giải phóng mặt bằng tái định cư

  • Chi phí đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng trên nền đất…
  • Chi phí thực hiện tái định cư có liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng của dự án.
  • Chi phí của ban đền bù giải phóng mặt bằng
  • Chi phí sử dụng đất như chi phí thuê đất trong thời gian xây dựng
  • Chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật (nếu có) 

(4) Chi phí quản lý dự án và chi phí khác 

Chi phí quản lý chung của dự án

Chi phí tổ chức thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

Chi phí thẩm định hoặc thẩm tra thiết kế, tổng dự toán, dự toán xây dựng công trình.

Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời đấu thầu, phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đấu thầu.

Chi phí giám sát thi công xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng và lắp đặt thiết bị

Chi phí kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng

Chi phí nghiệm thu, quyết toán, chi phí quy đổi vốn đầu tư và chi phí quản lý khác

Chi phí lập dự án, thi tuyển kiến trúc sư (nếu có), chi phí khảo sát, thiết kế xây dựng 

Lãi vay của chủ đầu tư trong thời gian xây dựng thông qua hợp đồng tín dụng

Vốn lưu động ban đầu cho sản xuất, chi phí nguyên liệu, năng lượng, nhân lực cho quá trình chạy thử không tải và có tải (đối với dự án SXKD)

Chi phí bảo hiểm công trình, chi phí kiểm toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán và một số chi phí khác

(5) Chi phí dự phòng

Là khoản chi phí để dự trù cho khối lượng phát sinh, các yếu tố trượt giá và các công việc chưa lường trước được trong quá trình thực hiện dự án

Xem tiếp phần 2….

Trên đây là nội dung kế toán chủ đầu tư xây dựng công trình cơ bản của kế toán Việt Hưng. Nếu có câu hỏi hay thắc mắc liên quan đến khoá học Kế toán xây dựng hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhé. 

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
close

GIẢI ĐÁP MIỄN PHÍ 24/7

Kế toán, thuế, bảo hiểm, Doanh nghiệp...