Đánh giá sản phẩm dở dang (SPDD) là bút toán vô cùng quan trọng trong mỗi doanh nghiệp. Tùy theo đặc điểm sản xuất kinh doanh mà có rất nhiều phương pháp để đánh giá SPDD cuối kỳ. Hôm nay, kế toán Việt Hưng sẽ chia sẻ với các bạn cách đánh giá theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương nhé!
1. Các phương pháp đánh giá
- Đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí sản xuất định mức
- Đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp
- Đánh giá sản phẩm dở dang theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương
2. Điều kiện áp dụng phương pháp đánh giá
Phương pháp này được áp dụng đối với các doanh nghiệp có quy trình sản xuất phức tạp, sản phẩm dở nhiều và không đều nhau. Chi phí chế biến cũng chiếm tỷ trọng lớn.
– Ưu điểm
Đánh giá chính xác vì tính hết mọi khoản chi phí cho sản phẩm dở dang.
– Nhược điểm
Tính toán khá phức tạp vì phải xác định mức độ hoàn thành của sản phẩm dở dang.
3. Nội dung phương pháp đánh giá
– Cách tính
Theo phương pháp này sản phẩm dở dang cuối kỳ phải chịu toàn bộ các khoản chi phí phát sinh theo mức độ hoàn thành của sản phẩm. Do vậy khi kiểm kê phải xác định mức độ hoàn thành dở dang (%). Sau đó tính ra sản lượng tương đương như sau:
DCK = (DĐK + CP) / (QHT + QD) * QD
Trong đó:
- DĐK: Chi phí dở dang đầu kỳ
- DCK: Chi phí dở dang cuối kỳ
- CP: Chi phí phát sinh trong kỳ
- QHT: Tổng sản lượng hoàn thành trong kỳ
- QD: Số lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ
Đối với các loại chi phí bỏ dần vào quá trình sản xuất sản phẩm, ví dụ: chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, thì chi phí dở dang cuối kỳ được tính theo công thức:
DCK = (DĐK + CP) / (QHT + QTĐ) * QTĐ
Trong đó:
- QTĐ: Khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương
- QTĐ = QD * %HT
- %HT: Mức độ hoàn thành của sản phẩm dở dang
– Ví dụ thực tế:
Doanh nghiệp có quy trình sản xuất đơn giản (1 giai đoạn)
Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm B. Trong tháng có số liệu như sau:
– Chi phí dở dang đầu kỳ gồm:
+ Chi phí NVL trực tiếp: 35.000.000đ
+ Chi phí NCTT: 6.200.000đ
+ Chi phí sản xuất chung: 9.300.000đ
– Chi phí sản xuất trong kỳ tập hợp được:
+ Chi phí NVL trực tiếp: 165.000.000đ
+ Chi phí NCTT: 47.800.000đ
+ Chi phí sản xuất chung: 71.700.000đ
Trong tháng hoàn thành 1.600 sản phẩm B, còn lại 400 sản phẩm dở dang, mức độ hoàn thành 50%, chi phí nguyên vật liệu chính bỏ 1 lần ngay từ đầu của quy trình công nghệ (không có chi phí vật liệu phụ).
Yêu cầu: Đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương.
Lời giải:
Tính khối lượng sản phẩm dở dang ra khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương:
Q’D = QD x tỷ lệ hoàn thành của sản phẩm = 400 x 50% = 200 sản phẩm
+ Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: (35.000.000 + 165.000.000) / (1.600 + 400) x 400= 40.000.000 đ
+ Chi phí nhân công trực tiếp: ( 6.200.000 + 47.800.000) / ( 1.600 + 200 ) x 200 = 6.000.000 đ
+ Chi phí sản xuất chung: ( 300.000 + 71.700.000 ) / ( 1.600 + 200 ) x 400 = 9.000.000 đ
==> Tổng cộng chi phí dở dang cuối kỳ: = 55.000.000đ
Trên đây là bài viết chia sẻ của kế toán Việt Hưng về phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ!