Chuẩn mực kế toán số 02 – Hàng tồn kho

Đánh giá

Chuẩn mực kế toán số 02 là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán hàng tồn kho. Gồm: Xác định giá trị và kế toán hàng tồn kho vào chi phí; Ghi giảm giá trị hàng tồn kho cho phù hợp với giá trị thuần có thể thực hiện được và phương pháp tính giá trị hàng tồn kho làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính. 

chuẩn mực kế toán số 02

Nội dung chuẩn mực kế toán 02 – Hàng tồn kho

Xác định giá trị hàng tồn kho

  • Hàng tồn kho được tính theo giá gốc.
  • Trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá gốc thì phải tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được.

Giá gốc hàng tồn kho

Chi phí mua

Chi phí mua của hàng tồn kho bao gồm:

  • Giá mua, 
  • Các loại thuế không được hoàn lại, 
  • Chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản trong quá trình mua hàng 
  • Và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc mua hàng tồn kho. 
  • Các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá hàng mua do hàng mua không đúng quy cách, phẩm chất được trừ (-) khỏi chi phí mua.

Chi phí chế biến

Chi phí chế biến hàng tồn kho bao gồm những chi phí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm sản xuất.

Chi phí sản xuất chung cố định

  • Là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường không thay đổi theo số lượng sản phẩm sản xuất
  • Chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm được dựa trên công suất bình thường của máy móc sản xuất. Công suất bình thường là số lượng sản phẩm đạt được ở mức trung bình trong các điều kiện sản xuất bình thường.
  • Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra cao hơn công suất bình thường. Thì chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.
  • Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường. Thì chi phí sản xuất chung cố định chỉ được phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung không phân bổ được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

Chi phí sản xuất chung biến đổi

  • Là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường thay đổi trực tiếp. Hoặc gần như trực tiếp theo số lượng sản phẩm sản xuất.
  • Chi phí sản xuất chung biến đổi được phân bổ hết vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.

Trường hợp một quy trình sản xuất ra nhiều loại sản phẩm trong cùng một khoảng thời gian.  Mà chi phí chế biến của mỗi loại sản phẩm không được phản ánh một cách tách biệt. Thì chi phí chế biến được phân bổ cho các loại sản phẩm theo tiêu thức phù hợp và nhất quán giữa các kỳ kế toán.

Trường hợp có sản phẩm phụ. Thì giá trị sản phẩm phụ được tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Và giá trị này được trừ (-) khỏi chi phí chế biến đã tập hợp chung cho sản phẩm chính.

Chi phí liên quan trực tiếp khác

  • Chi phí liên quan trực tiếp khác tính vào giá gốc hàng tồn kho bao gồm các khoản chi phí khác ngoài chi phí mua và chi phí chế biến hàng tồn kho.

Chi phí không tính vào giá gốc hàng tồn kho

Chi phí không được tính vào giá gốc hàng tồn kho, gồm:

  • Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác phát sinh trên mức bình thường;
  • Chi phí bảo quản hàng tồn kho trừ các khoản chi phí bảo quản hàng tồn kho cần thiết cho quá trình sản xuất tiếp theo và chi phí bảo quản quy định ở đoạn 06;
  • Chi phí bán hàng;
  • Chi phí quản lý doanh nghiệp.

Chi phí cung cấp dịch vụ

Chi phí cung cấp dịch vụ bao gồm

  • Chi phí nhân viên
  • Và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc cung cấp dịch vụ, như chi phí giám sát và các chi phí chung có liên quan.

Chi phí nhân viên, chi phí khác liên quan đến bán hàng và quản lý doanh nghiệp không được tính vào chi phí cung cấp dịch vụ.

Phương pháp tính giá trị hàng tồn kho

chuan-muc-ke-toan-so-02

Việc tính giá trị hàng tồn kho được áp dụng theo một trong các phương pháp sau:

Phương pháp tính theo giá đích danh 

  • Được áp dụng đối với doanh nghiệp có ít loại mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định và nhận diện được.

Theo phương pháp bình quân gia quyền 

  • Giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho tương tự đầu kỳ và giá trị từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. 
  • Giá trị trung bình có thể được tính theo thời kỳ hoặc vào mỗi khi nhập một lô hàng về, phụ thuộc vào tình hình của doanh nghiệp.

Phương pháp nhập trước, xuất trước

  • Áp dụng dựa trên giả định là hàng tồn kho được mua trước hoặc sản xuất trước thì được xuất trước, và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ. 
  • Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ, 
  • Giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho.

Phương pháp nhập sau, xuất trước 

  • Áp dụng dựa trên giả định là hàng tồn kho được mua sau hoặc sản xuất sau thì được xuất trước, và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trước đó. 
  • Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập sau hoặc gần sau cùng, 
  • Giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ còn tồn kho.

Ghi nhận chi phí

  • Khi bán hàng tồn kho, giá gốc của hàng tồn kho đã bán được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với doanh thu liên quan đến chúng được ghi nhận.
  • Ghi nhận giá trị hàng tồn kho đã bán vào chi phí trong kỳ phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp giữa chi phí và doanh thu.
  • Trường hợp một số loại hàng tồn kho được sử dụng để sản xuất ra tài sản cố định hoặc sử dụng như nhà xưởng, máy móc, thiết bị tự sản xuất thì giá gốc hàng tồn kho này được hạch toán vào giá trị tài sản cố định.

Kế toán Việt Hưng đã trình bày chi tiết nội dung chuẩn mực kế toán số 02 để bạn đọc tham khảo. Hy vọng các thông tin trên hữu ích cho bạn. 

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận