Chính sách thuế hộ kinh doanh cá thể năm 2022

Đánh giá

Từ năm 2022 theo quy định mới của Luật Quản lý thuế số 38 thì hộ kinh doanh có thể lựa chọn nộp thuế theo phương pháp khoán như trước đây hoặc nộp thuế theo phương pháp kê khai (đối với hộ đáp ứng điều kiện là quy mô lớn thì bắt buộc phải nộp thuế theo phương pháp kê khai). Việc triển khai chính sách thuế hộ kinh doanh cá thể chi tiết được chia sẻ trong bài viết dưới đây của Kế Toán Việt Hưng. Cùng tìm hiểu nhé!

Chính sách thuế hộ kinh doanh cá thể năm 2022

1. Nếu áp dụng phương pháp khoán thì thực hiện như sau:

– Về đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán

Tại khoản 1, khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38 quy định: “1.Cơ quan thuế xác định số tiền thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế (sau đây gọi là mức thuế khoán) đối với trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này”;

Chính sách thuế hộ kinh doanh cá thể năm 2022
Chính sách thuế hộ kinh doanh cá thể năm 2022

“5.Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”.

Cụ thể về quy mô doanh thu và lao động như sau:

+ Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng thì những hộ kinh doanh nào có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên; hoặc có tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên;

+ Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì những hộ kinh doanh nào có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên; hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên.

Căn cứ quy định nêu trên thì hộ kinh doanh trong mọi lĩnh vực ngành nghề nếu quy mô nhỏ thì áp dụng phương pháp thuế khoán, nếu quy mô lớn theo quy định nêu trên thì phải áp dụng phương pháp kê khai.

– Về xác định doanh thu và mức thuế khoán

Tại khoản 7, Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn: “”Phương pháp khoán” là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38″.

Tại Mục 1, Phụ lục I danh ngành nghề tính thuế GTGT, TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với HKD, CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn mức thuế đối với hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) là 1% đối với thuế GTGT và 0,5% đối với thuế TNCN.

Căn cứ các hướng dẫn nêu trên thì đối với hộ khoán, cơ quan thuế xác định doanh thu và mức thuế khoán trên cơ sở tờ khai của hộ kinh doanh, cơ sở dữ liệu của ngành thuế, ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã/phường/thị trấn, tình hình phát triển kinh tế chung của địa bàn. Hộ kinh doanh sẽ nộp thuế khoán theo thông báo của cơ quan thuế từ đầu năm.

Nếu trong năm có thay đổi về hoạt động sản xuất kinh doanh (tăng/giảm quy mô, ngừng, tạm ngừng kinh doanh) thì cơ quan thuế sẽ thực hiện điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán theo thực tế.

Đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa (tạp hóa) ngoài thuế GTGT, TNCN, hộ kinh doanh còn phải nộp lệ phí môn đối một lần từ đầu năm theo mức:

+ Mức 300.000 đồng/1 năm nếu doanh thu trên 100 triệu đến 300 triệu đồng/năm

+ Mức 500.000 đồng/1 năm nếu doanh thu trên 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm

+ Mức 1 triệu đồng/1 năm nếu doanh thu trên 500 triệu đồng/năm (tại NĐ 139/20216/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài).

– Chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hộ khoán

Tại khoản 2, Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (hộ khoán) không phải thực hiện chế độ kế toán. Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp thì đề nghị cấp, bán hóa đơn lẻ theo từng lần phát sinh.

Riêng trường hợp hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa hợp pháp và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.

Tại điểm a.1, khoản 2, Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định: “2.Quy định về cấp và kê khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh như sau:

a.1) Cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và hóa đơn bán hàng trong các trường hợp: Hộ, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 4, Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng;…”

2. Nếu áp dụng phương pháp kê khai

Phương pháp kê khai thuế hộ kinh doanh cá thể

– Về đối tượng nộp thuế theo phương pháp kê khai

Tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38 quy định: “5.Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”.

Tại khoản 1, Điều 8, Luật Quản lý thuế số 38 quy định: “Người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.”

Tại Điều 5 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn như sau: “1. Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế.

4. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán.

5. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế”.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên thì hộ kinh doanh nếu áp dụng phương pháp kê khai sẽ không áp dụng thuế khoán. Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế theo phương pháp tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm theo hướng dẫn cụ thế tại Điều 5 Thông tư 40 nêu trên.

Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai khi áp dụng hóa đơn điện tử cần chuẩn bị điều kiện về hạ tầng thông tin, bao gồm: máy tính/thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng) có thể kết nối mạng internet, chữ ký số và phần mềm lập hóa đơn điện tử. Hộ kinh doanh thực hiện khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử (tương tự như đối với DN) nếu có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Trường hợp hộ kinh doanh tại địa bàn chưa có đủ điều kiện hoặc cơ quan thuế chưa triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế đối với hộ kinh doanh thì có thể khai thuế theo hồ sơ giấy.

Việc xác định về hình thức kinh doanh và phương pháp kê khai để áp dụng chính sách thuế hộ kinh doanh cá thể cần căn cứ vào quy định đi kèm. Truy cập thêm fanpage của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều nội dung nghiệp vụ hữu ích nhé!

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận