Cập nhật mới văn bản quy phạm luật bảo hiểm xã hội

Đánh giá

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự đảm bảo thay thế được bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tuổi già,… nhằm bảo đảm an toàn đời sống cho người lao động và gia đình họ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội. Thời gian trôi qua, các quy định, luật lệ liên quan cũng sẽ thay đổi để phù hợp với thực tế. Hôm nay hãy cùng Kế toán Việt Hưng điểm qua một số cập nhật mới trong các văn bản quy phạm luật Bảo hiểm xã hội nhé.

 

luật bảo hiểm xã hội
Cập nhật mới văn bản quy phạm luật bảo hiểm xã hội

1. Vấn đề chung cần nắm

a, Đối tượng áp dụng của bảo hiểm xã hội Việt Nam:

* Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;

– Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;

– Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

* Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

* Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều này.

* Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

* Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

b, Các chế độ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam

– Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.

– Bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các chế độ: hưu trí; tử tuất.

– Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các chế độ: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tìm việc làm.

2. Những điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội:

a, Thay đổi tiền lương tối thiểu, tăng mức tính đóng BHXH bắt buộc 

– Thay đổi về tiền lương tối thiểu đóng BHXH:

Quyết định 595/QĐ-BHXH chỉ rõ, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không được thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường và cao hơn nhất 7% lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề. Từ năm 2019, lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh theo Nghị định 157/2018/ NĐ-CP. Theo đó, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu cũng phải tăng lên tương ứng.

– Thay đổi về tiền lương tối đa đóng BHXH:

Theo quy định tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở. Trong khi đó, mức lương cơ sở từ thời điểm 1/7/2019 sẽ được tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng theo tinh thần của Nghị quyết 70/2018/QH14. Như vậy từ thời điểm này, mức tiền lương tối đa đóng BHXH bắt buộc của người lao động là 29.800.000 đồng/tháng, thay vì 27.800.000 đồng như trước.

b, Tăng hàng loạt trợ cấp BHXH 

Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,49 triệu đồng/tháng, thay cho mức 1,39 triệu đồng/tháng trước đây. Do đó, hàng loạt khoản trợ cấp BHXH cũng sẽ tăng lên tương ứng. Điển hình như:

– Trợ cấp thai sản: Tăng từ 2,78 triệu đồng/tháng lên 2,98 triệu đồng/ tháng (tức 2 lần mức lương cơ sở, theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

– Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe: Tăng từ 417.000 đồng/ ngày lên 447.000 đồng/ngày (tức 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở theo quy định tại Điều 29, Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

– Trợ cấp tuất hàng tháng: Tăng từ 695.000 đồng/tháng lên 745.000 đồng/tháng với mỗi thân nhân; riêng với thân nhân không có người nuôi dưỡng tăng từ 973.000 đồng/tháng lên 1,043 triệu đồng/tháng (tức từ 50% – 70% mức lương cơ sở, theo quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)…

– Trợ cấp mai táng: Tăng từ 13,9 triệu đồng lên 14,9 triệu đồng (tức 10 lần tháng lương cơ sở, theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

c, Nhiều loại thuốc mới được BHYT chi trả

Từ ngày 01/01/2019, Bộ Y tế áp dụng Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ mới thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT theo Thông tư 30/2018/TT-BYT. Hàng loạt loại thuốc hóa dược và sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo BHYT như: Thuốc chống viêm không steroid; điều trị gút và các bệnh xương khớp; thuốc chống dị ứng…; thuốc gây tê, gây mê, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau, hạ sốt…

Theo quy định, BHYT sẽ thanh toán chi phí thuốc theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và không thanh toán trong các trường hợp như: Chi phí các thuốc đã được kết cấu vào giá khám bệnh, ngày giường điều trị hoặc giá thu trọn gói theo ca bệnh…

d, Thay đổi mức đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động 

Cuối năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP trong đó quy định mới về chế độ BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo Nghị định này, trong năm 2019, khi ký hợp đồng lao động với người nước ngoài, người sử dụng lao động phải đóng 3% trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Từ năm 2022, người sử dụng lao động phải đóng 14% trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; người lao động nước ngoài phải đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

e, Điều chỉnh lương hưu với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018 – 2021 

Theo Nghị định 153/2018/NĐ-CP của Chính phủ, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 – 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng sẽ được điều chỉnh lương hưu. Mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu x tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu. Trong đó, nếu nghỉ hưu từ năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.

f, Thay đổi về thẻ BHYT 

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết sang năm 2019, sẽ không in, cấp mới thẻ BHYT mà cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cấp nối tiếp giá trị sử dụng thẻ trong dữ liệu. Trên thẻ BHYT năm 2018 đã không còn ghi thời hạn sử dụng của thẻ mà chỉ ghi ngày bắt đầu có giá trị sử dụng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng khẳng định, sẽ triển khai thực hiện thẻ BHYT điện tử thay cho thẻ giấy ngay trong năm 2018. Vậy là khi quy định này được áp dụng, tất cả các thông tin về quá trình tham gia BHYT sẽ được cập nhật trên thẻ điện tử. Điều này giúp cho người dân không phải tốn thêm thời gian đăng ký mua, chờ nhận thẻ mới, và việc quản lý thông tin, dữ liệu cũng nhanh chóng, tiện lợi hơn.

g, Tiền lương hưu với lao động nam nghỉ hưu vào năm 2019 

Tiền lương hưu của lao động nam bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nam (nghỉ hưu vào năm 2019) đủ điều kiện quy định tại Luật BHXH năm 2014 được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, nếu đóng BHXH đủ 17 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, lao động nam được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% (Khoản 2 Điều 56 và Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH 2014).

3. Liệt kê các văn bản mới nhất được ban hành còn hiệu lực 

luật bảo hiểm xã hội

 

Trên đây là một số cập nhật mới nhất trong văn bản quy phạm bảo hiểm xã hội. Những thay đổi trong chính sách áp dụng bảo hiểm đã phần nào mang lại cho người dân nhiều lợi ích thực tế hơn. Hãy chờ đón những bài viết tới để cập nhật cho mình những thông tin hữu ích nhé!

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận