Báo cáo tài chính hợp nhất là gì? Mục đích và nguyên tắc làm

Đánh giá

Báo cáo tài chính hợp nhất có lẽ không còn xa lạ đối với kế toán của một tập đoàn gồm công ty mẹ và các công ty con. Tuy nhiên, khác với báo cáo tài chính thông thường, báo cáo tài chính hợp nhất rất nhiều vấn đề và phức tạp. Cùng Kế Toán Việt Hưng tìm hiểu những thông tin chi tiết về loại báo cáo này qua bài viết dưới đây nhé!

Bạn hiểu báo cáo tài chính hợp nhất là gì?

Theo chuẩn mực kế toán số 25 mới nhất, báo cáo tài chính hợp nhất được định nghĩa như sau:

“Báo cáo tài chính hợp nhất: Là báo cáo tài chính của một tập đoàn được trình bày như báo cáo tài chính của một doanh nghiệp. Báo cáo này được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo của công ty mẹ và các công ty con theo quy định của chuẩn mực này”

Mục đích báo cáo tài chính hợp nhất

  • BCTC hợp nhất là bút toán tổng hợp và trình bày tổng quát tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của một tập đoàn. 

Báo cáo này không tính đến ranh giới pháp lý của các pháp nhân riêng biệt là công ty mẹ hay công ty con trong tập đoàn.

  • Giúp đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một năm vừa qua. 

Từ đó đưa ra phương hướng của năm mới và có những dự đoán về đối thủ cạnh tranh.

  • BCTC hợp nhất cũng giúp các nhà đầu tư hiểu rõ về doanh nghiệp và quyết định có đầu tư hay không.

Hệ thống báo cáo

Hệ thống của báo cáo tài chính hợp nhất bao gồm BCTC hợp nhất năm và BCTC hợp nhất giữa niên độ.

Trong đó gồm các bảng biểu sau:

  • Bảng cân đối kế toán hợp nhất
  • Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất
  • Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất.

Nguyên tắc cần biết khi lập BCTC

Lập báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất

  • Doanh thu, giá vốn hàng bán, lãi gộp và các loại chi phí của tập đoàn không bao gồm với các khoản tương tự của công ty liên kết.
  • Phần chia của tập đoàn trong các khoản lãi trước thuế của công ty liên kết được ghi tăng vào lãi trước thuế trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn. 

VD: Công ty liên kết A lãi 14 tỷ, chia 30% lãi cho tập đoàn, tập đoàn ABC sẽ ghi tăng phần lãi trong năm tương ứng là 30% x 14 tỷ = 4,2 tỷ

  • Thuế TNDN của tập đoàn: chỉ ghi phần thuộc sở hữu của tập đoàn trong phần thuế của công ty liên kết.

VD: phần thuế TNDN của tập đoàn ABC chỉ ghi nhận số thuế là 30% x (25% x 14 tỷ) = 1,05 tỷ

Bảng cân đối kế toán hợp nhất

  • Số tiền đầu tư trong các công ty liên kết vào thời điểm mua phải ghi theo giá vốn.
  • Mỗi kỳ, phải ghi tăng (giảm) số tiền này bằng phần còn lại của tập đoàn trong khoản lãi (lỗ) của công ty liên kết.

Đối tượng phải lập 

Tất cả các công ty mẹ nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết ở công ty con có thể là sở hữu trực tiếp hoặc sở hữu gián tiếp thông qua một công ty con khác.

Tất cả các tổng công ty nhà nước thành lập và hoạt động theo mô hình có công ty con phải lập, nộp báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định của Luật kế toán.

báo cáo tài chính hợp nhất là gì

Quy định nộp báo cáo tài chính hợp nhất

Hiện nay, theo quy định tại Điều 80 của Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính:

Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ thì nơi nhận BCTC năm của doanh nghiệp là:

-> cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thống kê.

Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao

-> thì ngoài việc nộp BCTC năm cho các cơ quan theo quy định (cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thống kê)

-> còn phải nộp BCTC năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu.

-> Thời hạn doanh nghiệp phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.

Các nguyên tắc lập báo cáo tài chính hợp nhất

Căn cứ theo Điều 10, Thông tư 202/2014/TT-BTC quy định những nguyên tắc chung khi lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất như sau:

Nguyên tắc 1: Công ty mẹ khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất phải hợp nhất Báo cáo tài chính riêng của mình và của tất cả các công ty con ở trong nước và nước ngoài do công ty mẹ kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, trừ các trường hợp:

+ Quyền kiểm soát của công ty mẹ chỉ là tạm thời vì công ty con này chỉ được mua và nắm giữ cho mục đích bán lại trong thời gian không quá 12 tháng.

+ Hoạt động của công ty con bị hạn chế trong thời gian trên 12 tháng và điều này ảnh hưởng đáng kể tới khả năng chuyển vốn cho công ty mẹ.

Nguyên tắc 2: Công ty mẹ không được loại trừ khỏi Báo cáo tài chính hợp nhất đối với:

+ Công ty con có hoạt động kinh doanh khác biệt với hoạt động của công ty mẹ và công ty con khác trong tập đoàn;

+ Công ty con là Quỹ tín thác, Quỹ tương hỗ, Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các doanh nghiệp tương tự.

Nguyên tắc 3: Báo cáo tài chính hợp nhất được lập và trình bày theo các nguyên tắc kế toán như Báo cáo tài chính của doanh nghiệp độc lập theo quy định của

Chuẩn mực kế toán Việt Nam “Trình bày báo cáo tài chính” và qui định của các Chuẩn mực kế toán khác có liên quan.

Nguyên tắc 4: Báo cáo tài chính hợp nhất được lập trên cơ sở áp dụng chính sách kế toán thống nhất cho các giao dịch và sự kiện cùng loại trong những hoàn cảnh tương tự trong toàn Tập đoàn.

Nguyên tắc 5: Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và Báo cáo tài chính của công ty con sử dụng để hợp nhất phải được lập cho cùng một kỳ kế toán.

Nguyên tắc 6: Kết quả hoạt động kinh doanh của công ty con phải được đưa vào Báo cáo tài chính hợp nhất kể từ ngày công ty mẹ nắm quyền kiểm soát công ty con và chấm dứt vào ngày công ty mẹ thực sự chấm dứt quyền kiểm soát công ty con.

Nguyên tắc 7: Phần sở hữu của công ty mẹ và cổ đông không kiểm soát trong tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua phải được trình bày theo giá trị hợp lý.

Nguyên tắc 8: Nếu có chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con tại ngày mua, công ty mẹ phải ghi nhận thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ giao dịch hợp nhất kinh doanh.

Nguyên tắc 9: Lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua rẻ được xác định là chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua do công ty mẹ nắm giữ.

Nguyên tắc 10: Nếu sau khi đã kiểm soát công ty con, nếu công ty mẹ tiếp tục đầu tư vào công ty con để tăng tỷ lệ lợi ích nắm giữ, phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư thêm và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con mua thêm phải được ghi nhận trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và được coi là các giao dịch vốn chủ sở hữu (không ghi nhận như lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua giá rẻ). Trong trường hợp này, công ty mẹ không thực hiện việc ghi nhận tài sản thuần của công ty con theo giá trị hợp lý như tại thời điểm kiểm soát công ty con.

Nguyên tắc 11: Các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất được lập bằng cách cộng từng chỉ tiêu thuộc Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn.

Nguyên tắc 12: Số chênh lệch giữa số thu từ việc thoái vốn tại công ty con và giá trị phần tài sản thuần của công ty con bị thoái vốn cộng với giá trị phần lợi thế thương mại chưa phân bổ hết được ghi nhận ngay trong kỳ phát sinh.

Nguyên tắc 13: Sau khi thực hiện tất cả các bút toán điều chỉnh, phần chênh lệch phát sinh do việc điều chỉnh các chỉ tiêu thuộc Báo cáo kết quả kinh doanh phải được kết chuyển vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nguyên tắc 14: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được lập căn cứ vào Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con theo nguyên tắc: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất chỉ trình bày luồng tiền giữa tập đoàn với các đơn vị bên ngoài tập đoàn, bao gồm cả luồng tiền phát sinh từ các giao dịch với các công ty liên doanh, liên kết và cổ đông không kiểm soát của tập đoàn và được trình bày trên

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất theo 3 loại hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Toàn bộ các luồng tiền phát sinh từ các giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con trong nội bộ tập đoàn phải được loại trừ hoàn toàn trên bản Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

Nguyên tắc 15: Trường hợp công ty mẹ có các công ty con lập Báo cáo tài chính bằng đồng tiền khác với đồng tiền báo cáo của công ty mẹ, trước khi hợp nhất Báo cáo tài chính, công ty mẹ phải chuyển đổi toàn bộ Báo cáo tài chính của các công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ.

Nguyên tắc 16: Bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất được lập để giải thích thêm các thông tin về tài chính và phi tài chính, được căn cứ vào Bảng cân đối kế toán hợp nhất, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất và các tài liệu có liên quan trong quá trình hợp nhất Báo cáo tài chính.

Trên đây là bài viết của kế toán Việt Hưng về những điều cần biết về báo cáo tài chính hợp nhất. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì hãy liên hệ với chúng tôi qua fanpage để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest
1 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
tran thi hang
tran thi hang

Việt Hưng cho mình hỏi 1 chút là công ty có chi nhánh hoạt động độc lập thì hang năm có phải lập BCTC hợp nhất ko ạ?