Tổng quát tài khoản 411 – vốn chủ sở hữu theo TT 133

Đánh giá

Vốn chủ sở hữu là một loại vốn trong doanh nghiệp. Vậy vốn chủ sở hữu là gì? Nguyên tắc hạch toán kế toán vốn chủ sở hữu theo TT 133 như thế nào? 

Vốn chủ sở hữu (hay còn gọi là tài sản ròng) là giá trị của một tài sản trừ đi tất cả các khoản nợ trên tài sản đó.

Đối với tài chính cá nhân, tài sản ròng được gọi chính xác là giá trị tài sản ròng.

Vốn chủ sở hữu = Tài sản – Nợ phải trả

Nguyên tắc kế toán vốn chủ sở hữu

Tài khoản này dùng để phản ánh vốn do chủ sở hữu đầu tư hiện có và tình hình tăng, giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Vốn đầu tư của chủ sở hữu bao gồm:

  • Vốn góp ban đầu, góp bổ sung của các chủ sở hữu;
  • Thặng dư vốn cổ phần;
  • Vốn khác.

Các doanh nghiệp chỉ hạch toán vào TK 4111 – “Vốn góp của chủ sở hữu” theo số vốn thực tế chủ sở hữu đã góp, không được ghi nhận theo số cam kết, số phải thu của các chủ sở hữu.

Doanh nghiệp phải tổ chức hạch toán chi tiết vốn đầu tư của chủ sở hữu theo từng nguồn hình thành vốn (như vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác) và theo dõi chi tiết cho từng tổ chức, từng cá nhân tham gia góp vốn.

Doanh nghiệp ghi giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu khi:

  • Trả lại vốn cho các chủ sở hữu, hủy bỏ cổ phiếu quỹ theo quy định của pháp luật;
  • Giải thể, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
  • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Xác định phần vốn góp của nhà đầu tư bằng ngoại tệ

  • Khi giấy phép đầu tư quy định vốn điều lệ của doanh nghiệp được xác định bằng ngoại tệ tương đương với một số lượng tiền Việt Nam đồng, việc xác định phần vốn góp của nhà đầu tư bằng ngoại tệ (thừa, thiếu, đủ so với vốn điều lệ) được căn cứ vào số lượng ngoại tệ đã thực góp, không xem xét đến việc quy đổi ngoại tệ ra Việt Nam đồng theo giấy phép đầu tư.
  • Trường hợp doanh nghiệp ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính bằng đơn vị tiền tệ kế toán, khi nhà đầu tư góp vốn bằng ngoại tệ theo tiến độ, kế toán phải áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại từng thời điểm thực góp để quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán và ghi nhận vào vốn đầu tư của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần (nếu có).
  • Trong quá trình hoạt động, không được đánh giá lại số dư có Tài khoản 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu có gốc ngoại tệ.

Trường hợp nhận vốn góp bằng tài sản

  • Phải phản ánh tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu theo giá đánh giá lại của tài sản được các bên góp vốn chấp nhận.

Với công ty cổ phần, vốn góp cổ phần của các cổ đông được ghi theo giá thực tế phát hành cổ phiếu, nhưng được phản ánh chi tiết theo hai chỉ tiêu riêng: Vốn góp của chủ sở hữu và thặng dư vốn cổ phần:

  • Vốn góp của chủ sở hữu được phản ánh theo mệnh giá của cổ phiếu;
  • Thặng dư vốn cổ phần phản ánh khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành cổ phiếu (kể cả các trường hợp tái phát hành cổ phiếu quỹ) và có thể là thặng dư dương (nếu giá phát hành cao hơn mệnh giá) hoặc thặng dư âm (nếu giá phát hành thấp hơn mệnh giá)

Kết cấu và nội dung tài khoản 411

tong-quat-tai-khoan-411-von-chu-so-huu-theo-tt-133

Bên Nợ:

Vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm do:

  • Hoàn trả vốn góp cho các chủ sở hữu vốn;
  • Phát hành cổ phiếu thấp hơn mệnh giá;
  • Giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp;
  • Bù lỗ kinh doanh theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
  • Hủy bỏ cổ phiếu quỹ (đối với công ty cổ phần).

Bên Có:

Vốn đầu tư của chủ sở hữu tăng do:

  • Các chủ sở hữu góp vốn;
  • Bổ sung vốn từ lợi nhuận kinh doanh, từ các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu;
  • Phát hành cổ phiếu cao hơn mệnh giá;
  • Giá trị quà tặng, biếu, tài trợ (sau khi trừ các khoản thuế phải nộp) được phép ghi tăng Vốn đầu tư của chủ sở hữu theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Số dư bên Có:

  • Vốn đầu tư của chủ sở hữu hiện có của doanh nghiệp.

Tài khoản 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu, có 3 tài khoản cấp 2:

TK 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu:

  • Tài khoản này phản ánh khoản vốn thực đã đầu tư của chủ sở hữu theo Điều lệ công ty của các chủ sở hữu vốn.
  • Đối với các công ty cổ phần thì vốn góp từ phát hành cổ phiếu được ghi vào tài khoản này theo mệnh giá.
  • Tài khoản 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu tại công ty cổ phần có thể theo dõi chi tiết thành cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết và cổ phiếu ưu đãi.

TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần:

  • Tài khoản này phản ánh phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phiếu;
  • Chênh lệch giữa giá mua lại cổ phiếu quỹ và giá tái phát hành cổ phiếu quỹ (đối với các công ty cổ phần).
  • Tài khoản này có thể có số dư Có hoặc số dư Nợ.

TK 4118 – Vốn khác:

  • Tài khoản này phản ánh số vốn kinh doanh được hình thành do bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh hoặc do được tặng, biếu, tài trợ, đánh giá lại tài sản (nếu các khoản này được phép ghi tăng, giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu).

Nguyên tắc kế toán hạch toán tài khoản 411 – vốn chủ sở hữu theo TT 133, kế toán viên cần cập nhật và nắm bắt theo chuẩn mực kế toán hiện hành. Chúc các bạn thành công. 

0 0 Bình chọn
Bình chọn
Theo dõi
Thông báo cho
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận