Điều cần biết về kế toán vốn bằng tiền mặt tại doanh nghiệp

Vốn bằng tiền là một bộ phận của tài sản lưu động trong doanh nghiệp, tồn tại trực tiếp dưới hình thức tiền tệ, có tính thanh khoản cao nhất, bao gồm tiền mặt tại quỹ doanh nghiệp, tiền gửi tại ngân hàng, và các khoản tiền đang chuyển. Hãy cùng kế toán Việt Hưng tìm hiểu qua bài viết ngay sau đây

Kế toán vốn bằng tiền là mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến các tài khoản sau:

  • Tiền mặt – TK111
  • Tiền gửi ngân hàng – TK112
  • Tiền đang chuyển – TK113

1. Nguyên tắc kế toán vốn bằng tiền

Theo Điều 11 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định Nguyên tắc kế toán tiền cụ thể như sau:

  • Kế toán phải mở sổ kế toán ghi chép hàng ngày liên tục theo trình tự phát sinh các khoản thu, chi, xuất, nhập tiền, ngoại tệ. Và tính ra số tồn tại quỹ và từng tài khoản ở Ngân hàng tại mọi thời điểm để tiện cho việc kiểm tra, đối chiếu.
  • Các khoản tiền do doanh nghiệp khác và cá nhân ký cược, ký quỹ tại doanh nghiệp được quản lý và hạch toán như tiền của doanh nghiệp.
  • Khi thu, chi phải có phiếu thu, phiếu chi và có đủ chữ ký theo quy định của chế độ chứng từ kế toán.
  • Kế toán phải theo dõi chi tiết tiền theo ngoại tệ. Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo nguyên tắc:

+ Bên Nợ các khoản tiền áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế.

+ Bên Có các tài khoản tiền áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền

  • Tại thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư ngoại tệ và vàng tiền tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế.

2. Vai trò kế toán vốn bằng mặt trong doanh nghiệp

Quản lý tốt vốn bằng tiền và các nghiệp vụ thanh toán sẽ góp phần phát triển và lưu thông hệ thống tiền tệ trong nền kinh tế vì vậy kế toán tiền mặt là một bộ phận rất quan trọng.

  • Quản lý và thực hiện tốt vốn bằng tiền và các nghiệp vụ thanh toán doanh nghiệp sẽ đảm bảo tốt các mối quan hệ tác động qua lại giao dịch giữa các thành phần kinh tế, kích thích nền kinh tế phát triển nhanh hơn. Từ đó giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có sức cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.
  • Vốn bằng tiền và các nghiệp vụ thanh toán là cơ sở để đánh giá thực lực của công ty trong quá trình sản xuất và kinh doanh, khả năng tài chính khả năng thanh toán của doanh nghiệp từ đó nhằm tạo niềm tin cho các đối tác có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp đối doanh nghiệp
  • Là cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp thể hiện thông qua vòng lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp có nhanh chóng hiệu quả hay không
  • Để có thể quản lý và lưu chuyển tốt hệ thống tiền tệ của mình, doanh nghiệp phải cần đến sự giúp sức của kế toán tiền mặt. Kế toán tiền mặt hay còn gọi là kế toán vốn bằng tiền và các nghiệp vụ thanh toán có vai trò đặc biệt quan trọng của công tác kế toán.

ke-toan-von-bang-tien-mat-tai-doanh-nghiep

3. Nhiệm vụ của kế toán vốn bằng tiền

  • Phải theo dõi dòng tiền thu vào và dòng tiền chi ra của tiền mặt (TK 111) và tiền gửi ngân hàng (TK 112). Khi có chênh lệch giữa sổ kế toán tiền mặt và tiền gửi ngân hàng với sổ của thủ quỹ và sổ phụ ngân hàng, thì kế toán phải tìm hiểu nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời.
  • Kiểm soát chứng từ đầu vào sao cho hợp lệ, hợp pháp, hợp lý, để được tính chi phí hợp lý.
  • Hướng dẫn cho các phòng ban về quy định hoá đơn, chứng từ, cũng như cách lập các biểu mẫu.
  • Lập báo cáo thu chi hàng ngày, báo cáo tiền gửi ngân hàng hằng ngày để gửi theo yêu cầu của Ban Giám Đốc.
  • Liên hệ với ngân hàng để làm việc (về rút tiền, trả tiền, lấy sổ phụ ngân hàng và các chứng từ liên quan đến ngân hàng)
  • Thực hiện đúng theo nguyên tắc bất kiêm nhiệm, kế toán vốn bằng tiền không nên kiêm thủ quỹ.
  • Phải tổ chức theo dõi tiền gửi ngân hàng tại từng ngân hàng theo VND và theo ngoại tệ.

Lưu ý:

Khi hạch toán kế toán vốn bằng tiền, cần tôn trọng các vấn đề sau:

  • Sử dụng đơn vị tiền tệ thống nhất là đồng Việt Nam.
  • Ở những doanh nghiệp có ngoại tệ nhập quỹ tiền mặt hoặc gửi vào ngân hàng phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái ngày giao dịch (Tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế, hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh) để ghi sổ kế toán.
  • Khi tiến hành nhập, xuất quỹ tiền mặt phải có phiếu thu, phiếu chi và có đủ chữ ký của người nhận, người giao, người cho phép nhập, xuất quỹ theo quy định của chế độ chứng từ kế toán.
  • Thủ quỹ chịu trách nhiệm quản lý và nhập, xuất quỹ tiền mặt. Hàng ngày thủ quỹ phải kiểm kê số tồn quỹ tiền mặt thực tế, đối chiếu số liệu sổ quỹ tiền mặt và sổ kế toán tiền mặt. Nếu có chênh lệch, kế toán và thủ quỹ phải kiểm tra lại để xác định nguyên nhân và kiến nghị biện pháp xử lý chênh lệch.

Kế toán vốn bằng tiền giữ vai trò quan trọng trong doanh nghiệp. Hy vọng với những chia sẻ trên về kinh nghiệm sẽ giúp các bạn kế toán viên làm mảng nghiệp vụ này xử lý tốt công việc, tránh sai phạm. Mọi thắc mắc cần giải đáp xin liên hệ: https://ketoanviethung.vn/ để được tư vấn miễn phí – chuyên sâu TẤT TẦN TẬT mọi vấn đề.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *