Kế toán Việt Hưng chia sẻ thông tin theo điều 19, thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về tài khoản 133 – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, đã khấu trừ và còn được khấu trừ của doanh nghiệp.
b) Kế toán phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.
Trường hợp không thể hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào được hạch toán vào tài khoản 133.
Cuối kỳ, kế toán phải xác định số thuế GTGT được khấu trừ và không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.
c) Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được tính vào giá trị tài sản được mua, giá vốn của hàng bán ra hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.
d) Việc xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kê khai, quyết toán, nộp thuế phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về thuế GTGT.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ
Bên Nợ:
Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Bên Có:
– Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ;
– Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ;
– Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã trả lại, được giảm giá;
– Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.
Số dư bên Nợ:
Số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ, số thuế GTGT đầu vào được hoàn lại nhưng NSNN chưa hoàn trả.
Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ, có 2 tài khoản cấp 2:
– Tài khoản 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: Phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.
– Tài khoản 1332 – Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định: Phản ánh thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, của quá trình mua sắm bất động sản đầu tư.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi mua hàng tồn kho, TSCĐ, BĐSĐT, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213, 217, 611 (giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332)
Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).
3.2. Khi mua vật tư, hàng hoá, công cụ, dịch vụ dùng ngay vào sản xuất, kinh doanh, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 621, 623, 627, 641, 642, 241, 242,… (giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).
3.3. Khi mua hàng hoá giao bán ngay cho khách hàng (không qua nhập kho), nếu thuế GTGT được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).
3.4. Khi nhập khẩu vật tư, hàng hoá, TSCĐ:
– Kế toán phản ánh giá trị vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhập khẩu bao gồm:
- Tổng số tiền phải thanh toán cho người bán (theo tỷ giá giao dịch thực tế)
- Thuế nhập khẩu
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế bảo vệ môi trường phải nộp (nếu có)
- Chi phí vận chuyển, ghi:
Nợ TK 152, 153, 156, 211
Có TK 331 – Phải trả cho người bán
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312) (nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ)
Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có TK 33381 – Thuế Bảo vệ môi trường
Có các TK 111, 112, …
– Nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332)
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312).
3.5. Trường hợp hàng đã mua và đã trả lại hoặc hàng đã mua được giảm giá do kém, mất phẩm chất:
Căn cứ vào chứng từ xuất hàng trả lại cho bên bán và các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh giá trị hàng đã mua và đã trả lại người bán hoặc hàng đã mua được giảm giá, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 331 (tổng giá thanh toán)
Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào của hàng mua trả lại hoặc được giảm giá)
Có các TK 152, 153, 156, 211,… (giá mua chưa có thuế GTGT).
3.6. Trường hợp không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:
a) Khi mua vật tư, hàng hóa, TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213 (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào)
Có các TK 111, 112, 331,…
b) Cuối kỳ, kế toán tính và xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT. Đối với số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).
3.7. Vật tư, hàng hóa, TSCĐ mua vào bị tổn thất do thiên tai, hoả hoạn, bị mất
Có xác định do trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phải bồi thường, nếu thuế GTGT đầu vào của số hàng hóa này không được khấu trừ:
– Trường hợp thuế GTGT của vật tư, hàng hoá, TSCĐ mua vào bị tổn thất chưa xác định được nguyên nhân chờ xử lý, ghi:
Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381)
Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).
– Trường hợp thuế GTGT của vật tư, hàng hoá, TSCĐ mua vào bị tổn thất khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền về số thu bồi thường của các tổ chức, cá nhân, ghi:
Nợ các TK 111, 334,… (số thu bồi thường)
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu được tính vào chi phí)
Có TK 138 – Phải thu khác (1381)
Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu xác định được nguyên nhân và có quyết định xử lý ngay).
3.8. Cuối tháng, kế toán xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra khi xác định số thuế GTGT phải nộp trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.
3.9. Khi được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,….
Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Trên đây là những chia sẻ của Kế Toán Việt Hưng hy vọng sẽ giúp ích phần nào đó cho các bạn trong quá trình làm việc kế toán của mình – Mọi thắc mắc cần giải đáp xin liên hệ: 098.868.0223 – 091.292.9959 – 098.292.9939 để được tư vấn miễn phí – chuyên sâu TẤT TẦN TẬT mọi vấn đề.
Bên em rà soát các NCC có phát sinh mua bán năm 2017 nhưng bị không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giá trị hóa đơn nhỏ thôi, giờ e muốn loại ra thì anh/chị cho e hỏi e chỉ ko kê khai VAT đầu vào của những hóa đơn đó thôi. Hay e bỏ hẳn hóa đơn đó không hạch toán luôn ạ.
Chào bạn, với câu hỏi của bạn Kế Toán Việt Hưng xin trả lời như sau:
Trường hợp này bạn mua thật có giấy tờ chứng minh thì cứ hạch toán thế nào thì để đó thôi. Thuế vào mình giải trình đúng thực tế bạn nhé!
Mời bạn truy cập Cộng Đồng Làm Kế Toán https://www.facebook.com/groups/congdonglamketoan để đặt câu hỏi và nhận câu trả lời nhanh chóng, chính xác nhất từ đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm của chúng tôi!