Chuẩn mực kế toán hợp đồng xây dựng là gì?

Chuẩn mực kế toán hợp đồng xây dựng số 15 là gì? Kế toán Việt Hưng giới thiệu tới bạn đọc chuẩn mực kế toán số 15 – hợp đồng xây dựng với những cập nhật mới nhất trong bài viết dưới đây.

chuan-muc-ke-toan-hop-dong-xay-dung

Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc, phương pháp kế toán doanh thu và chi phí liên quan đến hợp đồng xây dựng.

Gồm: Nội dung doanh thu và chi phí của hợp đồng xây dựng; ghi nhận doanh thu, chi phí của hợp đồng xây dựng làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

Bài viết này đề cập tới doanh thu và chi phí của hợp đồng xây dựng trong chuẩn mực kế toán số 15.

Doanh thu hợp đồng xây dựng

Doanh thu của hợp đồng xây dựng bao gồm:

  • Doanh thu ban đầu được ghi trong hợp đồng;
  • Các khoản tăng, giảm khi thực hiện hợp đồng, các khoản tiền thưởng và các khoản thanh toán khác nếu các khoản này có khả năng làm thay đổi doanh thu, và có thể xác định được một cách đáng tin cậy.

Doanh thu của hợp đồng xây dựng được xác định bằng giá trị hợp lý của các khoản đã thu hoặc sẽ thu được.

  • Việc xác định doanh thu của hợp đồng chịu tác động của nhiều yếu tố không chắc chắn vì chúng tuỳ thuộc vào các sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai.
  • Việc ước tính thường phải được sửa đổi khi các sự kiện đó phát sinh và những yếu tố không chắc chắn được giải quyết. Vì vậy, doanh thu của hợp đồng có thể tăng hay giảm ở từng thời kỳ.

Sự thay đổi theo yêu cầu của khách hàng về phạm vi công việc được thực hiện theo hợp đồng.

Khoản tiền thưởng là các khoản phụ thêm trả cho nhà thầu nếu họ thực hiện hợp đồng đạt hay vượt mức yêu cầu.

Một khoản thanh toán khác mà nhà thầu thu được từ khách hàng hay một bên khác để bù đắp cho các chi phí không bao gồm trong giá hợp đồng.

Chi phí của hợp đồng xây dựng 

chuan-muc-ke-toan-hop-dong-xay-dung

Chi phí của hợp đồng xây dựng bao gồm:

  • Chi phí liên quan trực tiếp đến từng hợp đồng;
  • Chi phí chung liên quan đến hoạt động của các hợp đồng và có thể phân bổ cho từng hợp đồng cụ thể;
  • Các chi phí khác có thể thu lại từ khách hàng theo các điều khoản của hợp đồng.

Chi phí liên quan trực tiếp đến từng hợp đồng bao gồm:

  • Chi phí nhân công tại công trường, bao gồm cả chi phí giám sát công trình;
  • Chi phí nguyên liệu, vật liệu, bao gồm cả thiết bị cho công trình;
  • Khấu hao máy móc, thiết bị và các TSCĐ khác sử dụng để thực hiện hợp đồng;
  • Chi phí vận chuyển, lắp đặt, tháo dỡ máy móc, thiết bị và nguyên liệu, vật liệu đến và đi khỏi công trình;
  • Chi phí thuê nhà xưởng, máy móc, thiết bị để thực hiện hợp đồng;
  • Chi phí thiết kế và trợ giúp kỹ thuật liên quan trực tiếp đến hợp đồng;
  • Chi phí dự tính để sửa chữa và bảo hành công trình;
  • Các chi phí liên quan trực tiếp khác.

Chi phí chung liên quan đến hoạt động của các hợp đồng xây dựng và có thể phân bổ cho từng hợp đồng, bao gồm:

  • Chi phí bảo hiểm;
  • Chi phí thiết kế và trợ giúp kỹ thuật không liên quan trực tiếp đến một hợp đồng cụ thể;
  • Chi phí quản lý chung trong xây dựng.

Các chi phí trên được phân bổ theo các phương pháp thích hợp một cách có hệ thống theo tỷ lệ hợp lý.

Và được áp dụng thống nhất cho tất cả các chi phí có các đặc điểm tương tự.

Việc phân bổ cần dựa trên mức thông thường của hoạt động xây dựng.

Các chi phí khác có thể thu lại từ khách hàng theo các điều khoản của hợp đồng

  • Chi phí giải phóng mặt bằng,
  • Chi phí triển khai mà khách hàng phải trả lại cho nhà thầu đã được quy định trong hợp đồng.

Chi phí không liên quan đến hoạt động của hợp đồng hoặc không thể phân bổ cho hợp đồng xây dựng thì không được tính trong chi phí của hợp đồng xây dựng.

Các chi phí này bao gồm:

  • Chi phí quản lý hành chính chung, hoặc chi phí nghiên cứu, triển khai mà hợp đồng không quy định khách hàng phải trả cho nhà thầu.
  • Chi phí bán hàng;
  • Khấu hao máy móc, thiết bị và TSCĐ khác không sử dụng cho hợp đồng xây dựng.

Chi phí của hợp đồng bao gồm chi phí liên quan đến hợp đồng trong suốt giai đoạn kể từ khi ký hợp đồng cho đến khi kết thúc hợp đồng.

  • Các chi phí liên quan trực tiếp đến hợp đồng phát sinh trong quá trình đàm phán hợp đồng cũng được coi là một phần chi phí của hợp đồng. 

Nếu chúng có thể xác định riêng rẽ. Có thể ước tính một cách đáng tin cậy và có nhiều khả năng là hợp đồng sẽ được ký kết.

  • Nếu chi phí phát sinh trong quá trình đàm phán hợp đồng đã được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi chúng phát sinh. 

Thì chúng không còn được coi là chi phí của hợp đồng xây dựng khi hợp đồng được ký kết vào thời kỳ tiếp sau.

Kế toán Việt Hưng cung cấp cho bạn đọc những cập nhật mới nhất của chuẩn mực kế toán số 15 – hợp đồng xây dựng. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho kế toán viên mới bắt đầu công việc. Chúc các bạn thành công! 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *