Tính giá thành dịch vụ – Ngành du lịch thuộc loại hình thương mại dịch vụ, vì vậy cách tập hợp chi phí và tính giá thành có điểm tương tự các loại hình dịch vụ khác. Tuy nhiên cũng có những sự khác biệt so với các loại hình dịch vụ khác nhất là ở cách tập hợp chi phí. Bài biết sau đây sẽ hướng dẫn các bạn cách tính giá thành dịch vụ trong công ty du lịch.
1. Đặc điểm chi phí trong ngành du lịch
– Đối tượng tập hợp chi phí và tính giá thành: Theo từng tour;
– Với những khoản mục chi phí không thể tách riêng theo từng tour hoặc từng dịch vụ thì sẽ được phân bổ theo tiêu thức thích hợp.
– Không có sản phẩm dở dang.
– Chi phí thực hiện dịch vụ bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung.
– Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp gồm các khoản chi liên quan trực tiếp đến khách du lịch như: Chi phí ăn uống, tàu xe, các loại vé vào thăm quan,…
– Chi phí nhân công trực tiếp gồm các khoản tiền lương, các khoản phụ cấp, khoản trích theo lương của nhân viên trực tiếp hướng dẫn du lịch.
– Chi phí sản xuất chung gồm các khoản chi liên quan đến bộ phận điều hành như: Lương nhân viên tổng đài, sắp xếp tour,…
2. Cách tính giá thành dịch vụ trong công ty du lịch
* Đối với hoạt động du lịch, kế toán tính giá thành theo từng dịch vụ, hợp đồng tour. Giá thành dịch vụ được phân thành 3 yếu tố chính:
– Chi phí nguyên vật liệu (621)
– Chi phí nhân công (622)
– Chi phí sản xuất chung (627)
Do đó ta quy ước việc tính giá thành theo phương pháp ước lượng các yếu tố cấu thành giá thành:
– Nguyên vật liệu: 30%
– Lương nhân viên trực tiếp: 60%
– Chi phí sản xuất chung: 10%
– Lợi nhuận định mức hoạt động: 15%
VÍ DỤ: Doanh thu = 100.000.000 VND
Lợi nhuận mục tiêu = 100.000.000 x 15% = 15.000.000
Chi phí cần phân bổ tính giá thành = 100.000.000 – 15.000.000 = 85.000.000
Lợi nhuận mục tiêu sẽ được cân đối bằng các yếu tố chi phí quản lý doanh nghiệp: khấu hao công cụ, lương nhân viên văn phòng, khấu hao, dịch vụ mua ngoài: điện, internet….
* Có hai cách tính giá thành dịch vụ để lựa chọn hạch toán chi phí:
– Cách 1: Theo dõi tính giá thành qua phần Tạm ứng 141: Đây là cách chung để khoán chi phí tour cho hướng dẫn viên tour.
+ Tạm ứng: Nhân viên hướng dẫn trực tiếp các tour làm giấy đề nghị tạm ứng: Trong quá trình thực hiện tour thường phát sinh khoản tạm ứng chi tour của điều hành tour và trả trước của khách hàng cũng như đặt cọc tiền nhận trước phòng khách sạn, nhà hàng. Hạch toán:
Nợ TK 141
Có TK 111, 112
+ Hoàn ứng: Sau khi hoàn thành tour nhân viên phải làm quyết toán tour
Ghi nhận chi phí tính giá thành
Nợ các TK 331, 621, 623, 627…
Có TK 141
Hoàn ứng
Nợ TK 111, 112
Có TK 141
– Cách 2: Không thông qua 141
+ Chi phí vật liệu 621: Tiền thuê xe, vé tham quan, phòng nghỉ khách sạn, tiền ăn cho chuyến tham quan ở các tụ điểm dọc đường, tiền nước cho khách, khăn , túi xách, nón
Nợ TK 621
Nợ TK 133 (nếu có)
Có TK 331, 111, 112
+ Chi phí nhân công 622: lương nhân viên trực tiếp phục vụ được theo dõi hàng ngày và chấm công, đối với trường hợp ko thể theo dõi có thể phân bổ theo các tiêu chí thích hợp thì phân bổ bằng cách chi phí nhân công chiếm 60% yếu tố giá thành sản phẩm dịch vụ.
Hạch toán chi phí lương:
Nợ TK 622,627,6421
Có TK 334
Khi chi trả lương:
Nợ TK 334
Có TK 111, 112
+ Chi chi phí sản xuất chung 627: Lương nhân viên điều hành chung hay gọi là trưởng tour, chi phí bảo hiểm cho khách đi tour, công cụ, dụng cụ.
Hóa đơn đầu vào nếu là dịch vụ:
Nợ TK 627, 1331
Có TK 111, 112, 331
Nếu là công cụ, dụng cụ
Nợ TK 153, 1331
Có TK 111, 112, 331
Khi đưa vào sử dụng:
Nợ TK 242
Có TK 153
Phân bổ:
Nợ TK 627
Có TK 242
=> Hàng kỳ kết chuyển chi phí dở dang để tính giá thành dịch vụ
Nợ TK 154
Có TK 621, 622, 627
Ghi nhận doanh thu 511:
Nợ TK 111,112,131
Có TK 511, 33311
Đồng thời xác định giá vốn:
Nợ TK 632
Có TK 154
Bài viết trên đã hướng dẫn các bạn cách tập hợp, theo dõi chi phí và tính giá vốn dịch vụ trong công ty du lịch. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn hiểu hơn về cách tính giá vốn trong những đơn vị này. Chúc các bạn thành công!